EU: Lệ vô hiệu hóa luật

(PLO) - EU hiện lâm vào tình trạng khó khăn về nhiều phương diện. Nguyên do có nhiều và một trong số ấy, là việc luật pháp chung không được thực thi nghiêm chỉnh và được đảm bảo có hiệu lực đầy đủ. Luật pháp chung vốn không thiếu nhưng cứ liên tục hình thành những lệ riêng thách thức luật, lách luật và dần vô hiệu hóa luật.
EU ký hiệp định liên kết với Ukraine.
EU ký hiệp định liên kết với Ukraine.

Tiến thoái bằng... trưng cầu dân ý

Chuyện trưng cầu dân ý là một ví dụ. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, trong EU đã có hai cuộc trưng cầu dân ý ở quốc gia thành viên ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai chung của EU. Hồi đầu năm, Hà Lan tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hợp tác và liên kết giữa EU và Ucraine.

Thỏa thuận được tất cả các thành viên, trừ Hà Lan, phê chuẩn chóng vánh. Cử tri Hà Lan trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, với tỷ lệ cử tri tham gia chỉ có hơn 30%, đã bác bỏ thỏa thuận này. Kết quả trưng cầu dân ý không có tác động pháp lý ràng buộc đối với chính phủ, nhưng chính phủ không dám bất chấp ý nguyện của cử tri thể hiện ở kết quả cuối cùng.

Cho nên thỏa thuận này đến nay vẫn chưa có được hiệu lực chính thức. EU và Ucraine rồi đây phải thỏa thuận lại để được Hà Lan phê chuẩn.

Mới đây nhất là cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc nước này tiếp tục là thành viên EU hay ra khỏi EU (Brexit). Gần 52% cử tri Anh, với tỷ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý hơn 72%, đã ủng hộ Brexit.

Thật ra, không bị ràng buộc gì về pháp lý vào kết quả trưng cầu dân ý, nhưng chính phủ Anh hiện tại cũng không dám hành xử trái ngược với ý muốn của cử tri. Brexit đang làm chấn động cả nước Anh và EU, đồng thời có tác động mạnh mẽ tới cả thế giới gần xa bên ngoài về mọi phương diện.

Ngày 2/10 tới, ở Hungari sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về chấp nhận hay không chấp nhận quyết định của EU áp đặt các thành viên phải nhận hạn ngạch nhất định về người tỵ nạn.

Theo đó, nước thành viên này của EU chỉ phải tiếp nhận không đầy 3000 người trong tổng số hơn 160.000 người. Chính phủ Hungari không bị ràng buộc gì về pháp lý vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý mà ai ai hiện đều đã biết chắc là cử tri nước này không chấp nhận quyết định nói trên của EU.

Luật chung phụ thuộc lệ riêng

Cái lệ ở đây là phía hành pháp đẩy trách nhiệm sang cho người dân. Chính phủ quốc gia thành viên EU không thể phản bác mọi quyết định chung  đã được nhất trí thông qua trong EU trong khi dân chúng ở các quốc gia ấy không bị ràng buộc gì cả.

Trong nhận thức chung ở EU về dân chủ, ý nguyện của người dân được đề cao hàng đầu và là tiêu chí để đánh giá nên dân chủ ở đó thật sự dân chủ hay chỉ là giả tạo. Nếu chính phủ các nước thành viên này tuân thủ theo ý nguyện của cử tri thể hiện trong trưng cầu dân ý mà trái ngược với luật pháp chung của EU thì EU không thể trách cứ gì được chính phủ các nước thành viên này.

Cái lệ này giúp chính phủ các nước thành viên ấy dễ dàng tiến thoái, giúp họ vừa mị dân chúng lại có thể vừa tránh được phê trách hay trừng phạt của EU về việc đã bào mòn luật pháp chung của EU.

Một ví dụ khác nữa là dự định của Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker không để cho các nước thành viên EU phê chuẩn thỏa thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa EU và Canada (Ceta). Cái lệ ở đây là cách tiếp cận đã là luật pháp chung của EU thì việc phê chuẩn không còn thuộc thẩm quyền của quốc gia thành viên nữa. Như thế cũng có nghĩa là bất chấp hoặc vô hiệu hóa

mọi quy định và luật pháp chung lâu nay hiện hành trong EU về quy trình phê chuẩn các luật lệ chung.

Nếu chiều hướng này cứ tiếp tục thì rồi chẳng bao lâu nữa đâu, luật pháp chung của EU không còn quan trọng và quyết định bằng các loại lệ đang hiện hữu và còn có thể hình thành trong EU...

Đọc thêm