EU - 'sân chơi mạo hiểm' cho doanh nghiệp Việt Nam?

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi thực hiện các tiêu chuẩn: Giấy chứng nhận bảo đảm sản phẩm, Chi phí cao để tuân thủ các tiêu chuẩn; Tính hữu ích của một tiêu chuẩn riêng; Sự chồng chéo về các quy định kỹ thuật…
Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn

Hôm qua (20/7), tại Cần Thơ diễn ra Diễn đàn chính sách thương mại với chủ đề “Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) – Tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu” do Chương trình Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại (XTTM) địa phương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức.

“Rào cản” từ thị trường quốc tế

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Chương trình Nâng cao năng lực cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống XTTM địa phương cho biết, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều trở ngại do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Thực tế, EU là khu vực nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của nhiều nước khác nhau, đặc biệt là thủy sản. Đây cũng là thị trường đã từ chối nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn. Việc nhập khẩu nông sản của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chiếm tỉ trọng chỉ 1,8% và đa số từ những sản phẩm thô, có giá trị thấp, phần lớn là cà phê, chè, thủy hải sản, trái cây. 

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với nhiều mặt hàng quan trọng như gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, trái cây… các sản phẩm phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn ATTP và các quy định kỹ thuật khắc khe của đối tác.

Ngoài việc xin cấp phép từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các DN còn phải vượt qua một loạt các “hàng rào” nguyên tắc. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Úc cũng đã yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch khi nhập khẩu và thị trường của họ. Dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu là do tăng giá.

Lợi ích và thách thức khi phá vỡ “rào cản”

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, hiện nay, các DN nước ta bắt đầu nhận thức, nắm bắt được các yêu cầu về vấn đề ATTP, về kỹ thuật, thị hiếu của người tiêu dung ở một số thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN thiếu thông tin, gặp phải nhiều tình huống hàng bị trả lại vì chưa tuân thủ các tiêu chuẩn. 

Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP.
Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP.

Cùng mục đích tháo gỡ khó khăn giúp DN Việt Nam phát triển, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP cho biết, người tiêu dùng ở Châu Âu sẵn sàng chi trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm đảm bảo ATTP, có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường…Theo đó, đòi hỏi các sản phẩm của Việt Nam phải đạt những chuẩn mực, tiêu chuẩn riêng của thị trường Châu Âu thể hiện qua việc sản phẩm DN đạt được giấy chứng nhận.

Giấy chứng nhận bảo đảm sản phẩm có quy trình sản xuất tốt, chất lượng tốt do tổ chức phi chính phủ đưa ra nên có tính khách quan cao và mang tính tự nguyện nhưng nếu DN Việt Nam tuân thủ thì việc xuất khẩu sẽ dễ dàng, chi phí rẻ hơn, giá trị của sản phẩm được nâng lên, khẳng định được vị thế của DN trong bối cảnh thị trường quốc tế đang cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, đây cũng là cách thức tránh rắc rối về vấn đề pháp lý với các nước bạn. 

Bên cạnh đó, ông Claudio Dordi cho biết thêm, bên cạnh những lợi ích thì các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi thực hiện các tiêu chuẩn riêng này do Việt Nam là một nước đang phát triển: Chi phí cao để tuân thủ các tiêu chuẩn (khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển); Tính hữu ích của một tiêu chuẩn riêng tùy thuộc vào sự cải tiến về chất lượng của sản phẩm hoặc quy trình từ việc thích ứng sản phẩm/ quy trình đó; Thách thức về chi phí cho DN vừa và nhỏ so với các công ty lớn; Sự chồng chéo về các quy định kỹ thuật…, nên các DN của Việt Nam phải thận trọng.

Đọc thêm