Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam ngày 23/2 cho biết, ngày 22/2, tại Paris, Pháp trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) và Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell Fontelles đã đồng tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn đàn quy tụ các tổ chức châu Âu, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc đại diện Bộ trưởng Ngoại giao của 27 Quốc gia thành viên của EU và khoảng 30 Quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như đại diện của các tổ chức khu vực ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Pháp đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và sau khi thông qua, vào tháng 9/2021, chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị đã cho phép xác định các ý tưởng và định hướng hợp tác giữa EU và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU và Chiến lược Global Gateway được thông qua mới đây.
Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nêu bật tham vọng chung của các bên tham gia, đó là nỗ lực hợp tác cùng nhau vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững và bao trùm ở Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tái khẳng định sự gắn kết của các bên tham gia đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các giá trị và nguyên tắc dân chủ, cũng như tăng cường chủ nghĩa đa phương và Nhà nước pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS).
Cùng với đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ giữa EU và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các hoạt động hợp tác và đoàn kết dựa trên các cam kết chung của chúng ta, kể cả Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu và Công ước về Đa dạng sinh học.
Tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực và tiếp tục trao đổi về các định hướng đã xác định, đặc biệt trong khuôn khổ ba cuộc tọa đàm được tổ chức tại Diễn đàn Bộ trưởng, về an ninh và quốc phòng; kết nối và các vấn đề kỹ thuật số; và các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và đại dương, và sức khỏe.
Các bên tham gia của EU nhắc lại tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu và nhấn mạnh sự ủng hộ đối với cam kết ngày càng gia tăng và lâu dài của EU và các Quốc gia thành viên thông qua các hành động cụ thể. Vai trò của các khu vực ngoại vi xa lục địa và của các quốc gia và lãnh thổ hải ngoại Châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được nhấn mạnh trên phương diện này.
Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, EU tuyên bố mở rộng khái niệm về sự hiện diện phối hợp trên biển ở Tây Bắc Ấn Độ Dương. Điều này sẽ cho phép EU hỗ trợ hơn nữa sự ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tối ưu hóa việc triển khai hải quân, thúc đẩy hành động gắn kết của châu Âu và tạo điều kiện trao đổi thông tin và hợp tác với các đối tác của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt bằng cách tổ chức các cuộc tập trận trên biển và các chuyến cập cảng chung.
Mặt khác, EU tái khẳng định quyết tâm tăng cường cam kết về an ninh và quốc phòng với các đối tác trong khu vực, chẳng hạn bằng cách tăng cường đối thoại và quan hệ song phương.
Ngoài ra, EU tái khẳng định cam kết của mình nhằm làm sâu sắc hơn các chương trình hợp tác hiện có nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt thông qua chương trình ESIWA (Tăng cường Hợp tác An ninh Trong và Với Châu Á), trong lĩnh vực chống khủng bố, điều khiển học, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.
Thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là thông qua nền tảng trao đổi thông tin IORIS, dự án CRIMARIO (Các tuyến đường hàng hải trọng yếu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), mà việc mở rộng ra Thái Bình Dương sẽ được nghiên cứu trong những tháng tới.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ quy phạm của Liên hợp quốc đối với hành vi có trách nhiệm của các quốc gia, khuôn khổ của các công cụ quốc tế và khu vực về tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng, bao gồm cả Công ước Budapest về Tội phạm mạng, cũng như tăng cường khả năng phục hồi trên không gian mạng. EU đã nhân cơ hội này quảng bá bộ công cụ hệ thống 5G của mình và triển vọng hợp tác với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU cung cấp.
Trong lĩnh vực kết nối, tầm quan trọng của cách tiếp cận bền vững, bao trùm và dựa trên quy tắc đã được tái khẳng định, cũng như việc cần thiết tăng cường hợp tác về các khuôn khổ quy định chủ chốt và triển khai cơ sở hạ tầng vật chất an toàn và có khả năng chống chịu, phù hợp với các nguyên tắc của G20 về đầu tư vào các cơ sở hạ tầng chất lượng (QII).
EU sẽ nỗ lực thúc đẩy tất cả các khía cạnh của kết nối chất lượng với các đối tác Ấn Độ Đương – Thái Bình Dương theo phương thức chiến lược, dựa trên Global Gateway, chiến lược của EU về hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chiến lược của EU về Kết nối Châu Âu và Châu Á.
Liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng bền vững, các cuộc thảo luận tập trung vào các phương tiện cần thiết để triển khai các biện pháp giảm thiểu đầy tham vọng, tính dễ bị tổn thương của nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của việc thích ứng, cũng như cách đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trong lĩnh vực hợp tác y tế, các cuộc thảo luận tập trung vào việc xây dựng năng lực và chủ quyền y tế của các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách thúc đẩy hợp tác đa phương trong nghiên cứu và đổi mới, và hỗ trợ các dự án nhằm phát triển năng lực sản xuất dược phẩm trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vắc xin mRNA.