Hôm nay (15/3), tại Hà Nội, trong Hội thảo Thương mại và Đầu tư thuộc Hiệp định tự do Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA), EuroCham ra mắt Sách trắng lần thứ 10, trong đó cộng đồng DN châu Âu ở Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, áp dụng chuẩn mực phù hợp nhất từ các quốc gia/vùng lãnh thổ trong việc thực hiện chủ trương cấm xe máy tại các TP lớn
Thống kê của Tiểu ban Ngành ô tô – xe máy, năm 2017, thị trường xe ô tô mới giảm 7% so với năm 2016 (trong đó 71% là xe lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu, còn lại là xe nhập khẩu); gần 3,3 triệu xe máy được bán ra ở Việt Nam năm 2017, tăng 5% so với năm 2016.
Xe máy là phương tiện không thể thiếu do tính thuận tiện và phù hợp với mức sống của đa số người dân, nhất là ở các TP lớn nơi mạng lưới giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đồng thời cũng liên quan đến sinh kế của hàng triệu người.
Do đó, EuroCham nhận định, “việc cấm xe máy có thể tạo ra những khó khăn và bất lợi cho người dân ở các TP lớn”. Nên liên quan đến chủ trương “cấm lưu thông xe máy tại một số TP lớn từ năm 2030”, cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, áp dụng chuẩn mực phù hợp nhất từ các quốc gia/vùng lãnh thổ đang cho phép lưu thông xe máy kết hợp với hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng giao thông tiên tiến như Đài Loan (Trung Quốc).
Đài Loan (Trung Quốc) cho phép lưu thông xe máy kết hợp với hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng giao thông tiên tiến |
Xem xét nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa các tác động đến cuộc sống hàng ngày và công việc của người dân, tránh các hệ quả tiêu cực về kinh tế.
Vì thực tế, như ở Jakarta (Indonesia), quy định cấm xe máy đã bị bãi bỏ do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông của người dân.
Ngoài ra, EuroCham đề xuất “chỉ quản lý/cấm xe máy cũ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí” hoặc học tập kinh nghiệm của Ấn Độ, cấm xe máy đã sử dụng quá 20 năm. Đặc biệt cần có giải pháp tăng cường ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Hiện đến năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy tại các quận nội thành nhằm quản lý phương tiện tham gia giao thông và giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề xuất “cải thiện giao thông cộng cộng, quản lý phương tiện cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và quản lý lưu lượng tham gia giao thông trong TP” nhằm giảm ủn tắc giao thông do sự phát triển của phương tiện giao thông trong TP.
TP HCM đã thảo luận đề xuất hạn chế và cấm xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên đến nay TP chưa có thêm quyết định chính thức về vấn đề này.