Theo các chuyên gia của EuroCham, biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là biện pháp hành chính đi ngược lại chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường và gây hệ lụy tiêu cực tới ngành sữa, xã hội, tác động dài hạn tới triển vọng đầu tư và niềm tin của các nhà đầu tư.
Sách Trắng 2017 của EuroCham cũng dẫn số liệu khảo sát thị trường Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen (công bố tháng 7/2015) cho thấy, thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi đã sụt giảm 11% về số lượng trong vòng 12 tháng kể từ sau khi Quyết định 1079/2014/QĐ-BTC. Nguyên nhân được cho là việc áp giá trần đã ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, có tới 60% người dân được khảo sát cho biết họ không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ các biện pháp can thiệp giá sữa của Nhà nước.
Thực trạng trên cùng với xu hướng tăng giá nhẹ của các sản phẩm sữa thuộc phân khúc bình dân kể từ khi biện pháp bình ổn giá sữa được áp dụng cho thấy chính sách này không mang lại tác động như dự kiến là giảm giá sữa để hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Hiện thị trường có hơn 888 sản phẩm khác nhau, chia làm 3 phân khúc (cao cấp, trung bình và bình dân), đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng |
Do đó, ngoài việc nên gõ bỏ chính sách giá trần, cho quay trở lại cơ chế giá do thị trường quyết định, không ban hành các biện quản lý giá khác, các chuyên gia châu Âu còn khuyến nghị Việt Nam xem xét các cơ chế chính sách khác thay vì tập trung vào các biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường.
"Chính phủ chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa công thức lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người có thu nhập thấp.
Khi cần thiết, biện pháp bình ổn giá phải đảm bảo tuân thủ theo Luật Giá và cần có cơ sở, bằng chứng rõ ràng. Chỉ áp dụng biện pháp bình ổn giá trong khoảng thời gian nhất định đối với sản phẩm thiết yếu “đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người” quy định trong Luật Giá" - EuroCham khuyến nghị.