Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong năm 2021 sẽ có từ 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong số đó, khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và không ngoại trừ có những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực biển Đông.
|
Xử lý sự có điện do bão số 9 năm 2020 tại huyện Núi Thành, Quảng Nam |
EVNCPC là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý vận hành nguồn, lưới điện từ cấp 110kV trở xuống trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 04 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Diện tích: hơn 96.573 km2 (29% diện tích Việt Nam), địa hình phức tạp, trải dài, ven biển và miền núi với độ dốc khá lớn, nhiều sông suối, thường hứng chịu các đợt bão lụt.
Để chủ động các phương án PCTT và TKCN, từ quý 2, EVNCPC đã tổ chức kiểm tra trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại các Công ty Điện lực và các Xí nghiệp thủy điện để chuẩn bị cho công tác ứng phó kịp thời khi có thiên tai; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức diễn tập để từ đó thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai khi triển khai thực tế tại hiện trường. Ngày 15/7 vừa qua, EVNCPC đã tổ chức diễn tập PCTT&TKCN năm 2021 dưới hình thức trực tuyến tại trụ sở Tổng công ty kết nối với 13 Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung.
|
Ông Ngô Tấn Cư, Tổng giám đốc EVNCPC (áo trắng) chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9 năm 2020 tại Quảng Ngãi |
Qua kết quả kiểm tra cho thấy các đơn vị đã chủ động, tích cực rà soát, kiểm tra chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các phương án PCTT&TKCN; nhất là trong tháng cuối năm cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, sẽ là thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai, vì vừa phải đảm bảo an toàn thiên tai vừa phải đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.
Theo ông Ngô Trường Thắng - Trưởng Ban An toàn, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVNCPC, việc diễn tập từ Tổng công ty trực tuyến đến Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung là yếu tố thuận lợi để các đơn vị nắm bắt, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tế; các đơn vị đã lên phương án phù hợp, thích ứng, chủ động rút ngắn được thời gian huy động, xử lý khắc phục sự cố sau thiên tai. Các phương án đều đặt ra tình hình giả định cụ thể cho việc gió bão, ngập nước, lốc xảy ra ở từng vùng; đến những sự cố do đứt dây, đổ trụ..., nhằm đảm bảo nhanh chóng phục hồi lưới điện và cấp điện an toàn. Các đơn vị thuộc EVNCPC cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan tại các địa phương để thực hiện tuyên truyền tới người dân về công tác an toàn điện khi có thiên tai bất thường.
|
Khắc phục bão số 9 năm 2020 tại Thừa Thiên Huế |
Bên cạnh việc diễn tập, EVNCPC và các đơn vị thành viên luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị để triển khai ứng phó; cử các đoàn công tác tiền phương thuộc BCH PCTT&TKCN EVNCPC trực tiếp đến hiện trường các đơn vị có khả năng bị ảnh hưởng lớn để kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị; hỗ trợ khắc phục sau bão; các đơn vị khi thực hiện kiểm tra, khắc phục lưới điện phải đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo an toàn tính mạng cho CBCNV, lưu ý các địa điểm sạt lở, ngập lụt; tiếp tục tăng cường tuyên truyền về an toàn điện trong dân.
Trên cơ sở các quy định công tác PCTT&TKCN và thực tế tình hình thiên tai, EVNCPC yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện các phương án chuẩn bị ứng phó và triển khai xử lý, khắc phục cấp điện sau thiên tai phù hợp với đặc điểm, địa hình từng khu vực. Trong đó, lưu ý các nội dung như: Thực hiện theo phương châm phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng; phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của lãnh đạo và CBCNV các cấp, phòng, ban để nhanh chóng triển khai kiểm đếm, xác định thiệt hại và huy động nhân lực, phương tiện, vật tư sau thiên tai để có phương án xử lý đảm bảo cấp điện lại được nhanh nhất có thể, trong đó nhanh chóng khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng, ưu tiên (cơ quan điều hành các cấp, bệnh viện, nhà máy nước…). Chủ động làm việc với các bên liên quan trong công tác chặt tỉa cây ngoài hành lang có khả năng ngã đỗ gây sự cố về điện khi có thiên tai. Làm việc với các nhà thầu vận tải, xây lắp trên địa bàn để nhanh chóng huy động được các phương tiện thuê ngoài như: xe múc, xe cẩu, ghe, xuồng, cưa máy… lao động phổ thông khi cần thiết. Tăng cường tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, đặc biệt lưu ý người dân trong các thời điểm nắng nóng hay nhà cửa bị ẩm ướt, ngập nước trong mưa bão, lũ. Sẵn sàng huy động phương tiện, nhân lực, vật tư của các đơn vị thành viên hỗ trợ khắc phục tại các đơn vị bạn.
Miền Trung đang bước vào mùa mưa bão với dự báo nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố về điện trong mùa mưa bão, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, của các cấp chính quyền địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm về an toàn điện. Các hộ sử dụng điện cần quan tâm bảo đảm an toàn đường dây từ lưới điện đến gia đình riêng, sử dụng các loại dây, thiết bị điện đạt tiêu chuẩn. Khi phát hiện đường dây điện bị đứt, rơi xuống đất hoặc cây cối ngã đổ vào đường dây, trạm điện thì tìm cách không được đến gần và tìm cách báo hiệu, ngăn chặn, không cho người, phương tiện qua lại khu vực có sự cố; đồng thời báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Trung, tổng đài 19001909 phục vụ 24/7 để kịp thời khắc phục, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.