Facebook đã vi phạm pháp luật như thế nào?

(PLO) - Hơn 10 năm chính thức bước vào Việt Nam với gần 60 triệu người dùng, mạng xã hội Facebook  vừa bị cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng cáo buộc hàng loạt hành vi vi phạm của Facebook tại thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lan tràn thông tin bôi nhọ, vu khống trên Facebook

Tháng 7/2018, có một tài khoản Facebook đưa thông tin bị suy thận do uống nước tăng lực Sting (của Pepsi) trên Facebook. Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận. Sau đó, hãng luật đại diện cho Pepsi đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam và Facebook để đưa ra các bằng chứng khẳng định thông tin kia là sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Phải mất 7 ngày, Facebook mới gỡ thông tin giả mạo này xuống.

“Sau khi tung tin, 7-10 ngày mới làm việc xong và gỡ được thì thông tin đã lan truyền khắp và việc kinh doanh của chúng tôi bị giảm sút nặng nề. Khi sự việc xảy ra chúng tôi cũng không biết được đối tác của Facebook tại Việt Nam là ai để làm việc”, đại diện Pepsico Việt Nam cho biết. Trường hợp trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp về đưa tin giả trên Facebook, gây thiệt hại lớn đến thương hiệu, kinh tế, danh dự của tổ chức và cá nhân tại Việt Nam. 

Nguồn tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị này đã rà soát, phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam. 

Hành vi vi phạm phổ biến nhất trong quản lý thông tin của Facebook tại Việt Nam là cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Đáng chú ý là, những nội dung sai sự thật và xuyên tạc này được tung ra và lan truyền theo từng đợt, từng dịp, rất nhiều tổ chức phản động... đã lợi dụng mạng xã hội Facebook để bôi nhọ, nói xấu với mục đích chính trị. Những nội dung đó đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam như Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). 

Tuy nhiên, khi các cơ quan quản lý đã liên tục gửi công văn, email nhiều lần yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung xuyên tạc, sai lệch, nhưng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã liên tục trì hoãn, thậm chí không gỡ bỏ với lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Thậm chí, mạng xã hội này cũng  không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh. 

Quảng cáo sản phẩm bất hợp pháp, “né” nghĩa vụ thuế!

Một vi phạm khác của Facebook được cơ quan chức năng nhận diện là mạng xã hội này đang cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam. “Chúng tôi rà soát và phát hiện Facebook cho phép quảng cáo, bán các sản phẩm bị cấm như quảng cáo tiền giả, bán tiền giả, bán vũ khí, vật liệu cháy nổ, bán dâm, buôn bán người, buôn bán hàng giả, hàng nhái, động vật hoang dã, quảng cáo cờ bạc… có những mặt hàng theo khung hình sự bị phạt tù từ chung thân đến tử hình”, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết.

Facebook sống nhờ quảng cáo nên đã âm thầm tiếp tay, cho phép các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra. Facebook có thể ngăn chặn từ đầu nhưng họ không làm. Khi phát hiện vi phạm và yêu cầu xử lý thì họ lần chần, kéo dài thời gian. 

Ngoài ra, Facebook đang có doanh thu quảng cáo rất lớn nhưng không đóng thuế vừa khiến Nhà nước thất thu vừa thả nổi thị trường quảng cáo trực tuyến. Đại diện Vụ Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho hay, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. 

“Siết” Facebook bằng cách nào?

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện có 8 doanh nghiệp viễn thông cho Facebook kết nối trực tiếp và đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam... Nhưng điều quan trọng rằng mạng xã hội này lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn thông lại không chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông không có điều khoản cam kết tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đây cũng chính là kẽ hở để mạng xã hội như Facebook liên tục vi phạm về luật pháp tại nước sở tại. 

Đã có nhiều phương án ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này được thảo luận tới, như các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật, yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong thỏa thuận giữa các nhà cung cấp dịch vụ và Facebook. Ngoài ra, Facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. 

Trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam, trong thời gian tới, rất có thể Facebook và các nhà kinh doanh xuyên biên giới phải tuân thủ các quy định như: Phải đặt văn phòng đại diện và đặt máy chủ ở Việt Nam; Tuân thủ các quy định về thanh toán, nộp thuế, khai báo, gỡ bỏ thông tin sai lệch… để đảm bảo sự trong sạch môi trường mạng, đảm bảo quyền lợi, kinh tế, danh dự cho cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Và nếu Facebook không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh. 

Đọc thêm