Tuyên bố phạt Facebook 110 triệu euro (khoảng 120 triệu USD) vì cung cấp thông tin sai lệch khi mua lại ứng dụng tin nhắn WhatsApp năm 2014, đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, trong quá trình làm hồ sơ thâu tóm WhatsApp, Facebook chỉ thông báo với EC rằng, công ty này không thể tự động liên kết tài khoản người dùng Facebook với WhatsApp.
EC đưa ra án phạt kể trên sau khi mở cuộc điều tra và mức phạt này không ảnh hưởng tới quyết định đưa ra hồi tháng 10-2014, cho phép Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 triệu USD. Cũng liên quan tới WhatsApp, cơ quan giám sát chống độc quyền Italia vừa tuyên mức phạt 3 triệu euro bởi Facebook đã khiến người dùng tin rằng họ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ trừ khi đồng ý các điều khoản, bao gồm chia sẻ dữ liệu cá nhân.
Cơ quan giám sát chống độc quyền Italia cũng cho biết, trong điều khoản sử dụng WhatsApp, Facebook đã không công bằng khi cho phép dịch vụ bị gián đoạn không cần giải thích và chỉ nhà cung cấp mới có quyền chấm dứt thỏa thuận. 28 cơ quan bảo vệ dữ liệu EU từng yêu cầu WhatsApp ngừng chia sẻ dữ liệu người dùng với Facebook do nghi ngờ về tính hợp lệ trong vấn đề này.
Tờ Berita Harian từng dẫn cảnh báo của Thứ trưởng Truyền thông Malaysia Johari Gilani - các quản trị viên WhatsApp có thể bị triệu tập để hỗ trợ điều tra và bị trừng phạt nếu có liên quan trực tiếp hoặc để các thông tin giả được lan truyền một cách cố ý trên ứng dụng này.
Phó chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia, ông Mohd Yusof Abdul Rahman cho rằng, phải áp dụng biện pháp trừng phạt quản trị viên WhatsApp bởi thông tin giả không những gây bức xúc cho cộng đồng, mà còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban Phát thanh, truyền hình và viễn thông quốc gia Thái Lan (NBTC), ông Takorn Tantasith thông báo, Facebook đang hợp tác với Thái Lan và chính phủ không có kế hoạch chặn trang mạng xã hội này. Việc này diễn ra cho dù 97 website với nội dung phỉ báng Hoàng gia Thái Lan vẫn xuất hiện trên Facebook.
|
EC mở cuộc điều tra Facebook cung cấp thông tin sai lệch năm 2016 |
Bởi theo “tối hậu thư” của NBTC, đến 10 giờ ngày 16-5, Facebook phải loại bỏ 131 địa chỉ website có nội dung đe dọa an ninh quốc gia. Trước đó, NTBC đã yêu cầu Facebook đóng 309 trang và tài khoản, nhưng họ chỉ thực hiện 178 trang, tài khoản và không đưa ra lời giải thích nào.
Facebook từng bị chỉ trích vì không kịp gỡ video bố giết con ở Thái Lan. Bởi trong một đoạn video, cộng đồng Facebook đã bàng hoàng khi chứng kiến ông Wuttisan Wongtalay giết con gái 11 tháng tuổi của mình bằng cách treo cổ cô bé ở một căn phòng khách sạn bị bỏ hoang, rồi tự tử.
Mấy ngày trước (16-5), cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) đã phạt Facebook 150.000 euro (khoảng 165.000 USD - mức phạt cao nhất đối với hành vi này) bởi có hành vi thu thập thông tin người dùng, nhưng không được họ cho phép. Hãng Reuters cho rằng, mức phạt 150.000 euro là thấp bởi Facebook có doanh thu khoảng 8 tỷ USD mỗi quý và vốn hóa thị trường 435 tỷ USD.
CNIL đã thông báo án phạt với Facebook và công ty con tại Ireland do "nhiều lần vi phạm Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu của Pháp". Theo CNIL, đây là kết quả của sự hợp tác giữa với các cơ quan hành pháp của Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và thành phố Hamburg của Đức. CNIL cũng cho biết đã 2 lần được gửi thông báo nhắc nhở mạng xã hội này phải tuân thủ luật pháp Pháp, nhưng Facebook không đưa ra được phản hồi thích đáng.
Tuy tuyên bố tôn trọng CNIL, nhưng Facebook không đồng ý với phán quyết kể trên. Facebook có 4 tháng để kháng cáo lên tòa án hành chính cấp cao nhất của Pháp. Những động thái kể trên diễn ra sau khi Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg công bố một loạt biện pháp mới để giúp mạng xã hội này loại bỏ nội dung không thể chấp nhận một cách nhanh chóng hơn. Ông Mark Zuckerberg cho biết, Facebook sẽ cố gắng khắc phục vấn nạn kể trên bằng cách bổ sung thêm 3.000 người trong 12 tháng tới./.