Facebook vội vã khắc phục 'sự cố' về bức ảnh 'Em bé Napalm'

(PLO) -Facebook vừa rút lại việc xếp bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” ghi lại hình ảnh bé gái người Việt Nam không mảnh vải trên người đang vừa la hét trong đau đớn và sợ hãi sau một vụ tấn công bằng bom napalm vào danh sách hình ảnh khỏa thân, đồng thời khôi phục lại những hình ảnh cùng bài đăng có hình ảnh này bị xóa trước đó.
Tổng biên tập Aftenposten Hansen.
Tổng biên tập Aftenposten Hansen.

Bức ảnh ghi lại lịch sử

Với truyền thông và những người dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới, bức ảnh “Em bé Napalm” là bức hình quá nổi tiếng. Bức hình do nhà báo ảnh của hãng tin AP Nick Út chụp được vào năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Theo lời kể về sau của ông Nick, vào ngày ông chụp bức ảnh định mệnh, ngôi làng ông đang có mặt đã bị tấn công, ném bom.

Khi ông đang nghĩ trong làng không còn người dân nào thì bất chợt nhìn thấy một nhóm người, trong đó có cả những đứa trẻ, từ trong làng chạy ra. Tất cả họ đều đang vô cùng hoảng loạn. Khi đó ông nhìn thấy một bé gái. “Chúa ơi, chuyện gì xảy ra với đứa trẻ vậy” – ông vừa nghĩ vừa bấm máy.

Nhìn thấy da của đứa trẻ bị bỏng nặng, ông Nick cho biết ông đã đặt máy ảnh xuống và tìm nước đổ lên người em bé. Bé gái đó tên Phan Kim Phúc. Chú của Phúc sau đó đã cầu xin ông Út đưa cô bé và một số đứa trẻ khác tới bệnh viện. Ông đã làm theo đề nghị này rồi sau đó vội vã về văn phòng, rửa tấm hình sau đó đã nổi tiếng khắp thế giới chỉ trong vòng 24 giờ.

Bức hình khi được công bố đã gây xúc động lớn trong dư luận thế giới, cho thấy rõ sự thảm khốc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Bức hình cũng đã được đăng tải trên trang nhất nhiều tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ như The New York Times, The New York Daily News. Năm 1973, bức hình đã được trao giải thưởng danh giá Pulitzer và là một trong những bức hình đáng nhớ nhất của thế kỷ 20.

Thực ra, trước khi bức ảnh được đăng tải 44 năm trước, AP cũng đã thảo luận về bức hình này vì nó vi phạm chính sách khỏa thân hoàn toàn ở phần trước của hãng tin này. Ông Hal Buell – người khi đó đang giữ chức trưởng ban biên tập ảnh của AP tại New York – kể lại rằng ông đã nhận được tin nhắn từ biên tập viên ảnh ở Sài Gòn Horst Faas, thông báo về việc một bức ảnh gây tranh cãi đang được gửi về tòa soạn. 

“Chúng tôi đã tranh cãi về bức ảnh đó trong khoảng 10 hoặc 15 phút. Rồi chúng tôi nhận thấy bức hình không hề có tính dâm dục. Sao chúng tôi có thể không đăng bức ảnh đó được chứ? Nó ghi lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Nó ghi lại tình cảnh khủng khiếp mà những người vô tội đang bị mắc kẹt trong làn tên mũi đạn của chiến tranh” – ông Buell, hiện đã nghỉ hưu, nhớ lại.

Quyết định gây bức xúc

Tính lịch sử và giá trị của bức ảnh đã được công nhận trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, những ngày gần đây, “Em bé Napalm” lại là tâm điểm dư điểm, lần này là liên quan đến một quyết định của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới facebook. 

Cuộc tranh cãi nói trên bắt nguồn từ quyết định của facebook khi xóa một bài viết của nhà báo người Na Uy Tom Egeland, đưa ra chủ đề 7 bức hình thay đổi lịch sử chiến tranh, trong đó có bức hình “Em bé Napalm”.

Tài khoản của ông Egeland sau đó đã bị facebook khóa lại. Aftenposten – tờ báo lớn nhất Na Uy – sau đó đã có bài viết về việc facebook xóa ảnh và khóa tài khoản của ông Egeland, trong đó có sử dụng bức ảnh trên. 

Khi bài viết được chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội, tờ báo đã nhận được tin nhắn từ facebook, yêu cầu xóa bỏ hoặc làm mờ bức ảnh. “Bất kỳ hình ảnh nào của con người phô bày bộ phận sinh dục hoặc mông, hoặc ngực phụ nữ đều sẽ bị gỡ bỏ” – thông báo từ facebook lý giải. Trước khi Aftenposten có thể phản hồi, facebook đã xóa bỏ bài viết và hình ảnh từ trang facebook của tờ báo.

Không đồng ý với lập luận của facebook, Aftenposten sau đó đã cho đăng trên trang nhất của báo bức thư ngỏ của Tổng biên tập kiêm CEO của tờ báo Espen Egil Hansen. Trong thư ngỏ, ông Hansen đã chỉ trích việc CEO của facebook Mark Zuckerberg lạm quyền khi kiểm duyệt bức ảnh lịch sử trên.

Bộ phận hình ảnh của Los Angeles Times cho biết mới đây họ cũng đã bị xóa một bài viết trên trang facebook trong đó có đăng bức hình “Em bé Napalm”. Los Angeles Times cho biết, tại thời điểm bị xóa bỏ bài đăng, họ đã nhận được thông báo từ mạng xã hội facebook nói rằng việc đăng tải như vậy đã vi phạm các điều khoản sử dụng dịch vụ của công ty. 

Lo ngại về việc bóp méo thông tin

Ban đầu, facebook khăng khăng giữ nguyên quyết định của mình với lý do rất khó để phân biệt giữa việc cho phép bức hình của một em bé khỏa thân trong một hoàn cảnh cụ thể với những bức hình khỏa thân khác. Cuộc tranh cãi đã leo thang khi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm 9/9 vừa qua đã đăng tải bức hình lên tài khoản mạng xã hội facebook của bà và facebook cũng đã xóa bỏ bức hình đó.

Ngay sau khi bài viết đầu tiên bị xóa đi, bà Solberg tiếp tục đăng tải lại tấm hình nổi tiếng nhưng có chỉnh sửa bằng cách tạo một khung hình đen che kín từ phần đùi của em bé trở lên. Bà cũng đăng tải một số bức hình ghi lại những sự kiện lịch sử khác và tạo những hộp đen choán hết những nhân vật chính trong các bức hình đó. 

“Những bức hình như vậy là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ấn tượng và nếu các vị chỉnh sửa lại các sự kiện hay con người trong quá khứ tức là các vị đang thay đổi lịch sử và thay đổi thực tế” – bà Solberg bày tỏ nhận định và cho biết thêm rằng đây là lần đầu tiên một bài đăng trên facebook của bà bị xóa đi.

Quyết định chia sẻ bức hình của Thủ tướng Solberg đã nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia ở tất cả các trường phái, của giới báo chí và những người dân Na Uy bình thường.Một số thành viên trong chính phủ cũng đã đăng tải bức hình trên trang facebook của họ. Ông Roe Isaksen- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Na Uy Torbjorn Roe Isaksen khẳng định đây là một bức ảnh mang tính chất biểu tượng, một phần của lịch sử. 

Cuộc tranh cãi cũng đã lan ra khỏi phạm vi Na Uy với việc người đứng đầu liên đoàn báo chí Đan Mạch đã lên tiếng thúc giục người dân chia sẻ thư ngỏ của ông Hansen. Bộ trưởng Bộ tư pháp Đức cũng lên tiếng phản đối việc facebook xóa bức ảnh này. Ông cho rằng những nội dung bất hợp pháp mới là những thứ nên biến mất khỏi Internet chứ không phải những bức ảnh có giá trị truyền tải sự thực tới toàn thế giới.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, facebook sau đó tuyên bố sẽ cho phép chia sẻ bức hình. “Trong trường hợp này, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng mang tính lịch sử và toàn cầu của bức hình trong việc ghi chép lại kịp thời một thời khắc đặc biệt.

Vì đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng lịch sử quan trọng nên giá trị của việc cho phép chia sẻ hình ảnh này lớn hơn giá trị của việc bảo vệ cộng đồng thông qua việc gỡ bỏ hình ảnh nên chúng tôi đã quyết định giữ nguyên hình ảnh trên facebook” – tuyên bố của facebook cho hay. 

Theo thông tin từ trang mạng xã hội này, họ đã khôi phục lại những bức ảnh đã bị gỡ bỏ trước đó và sẽ điều chỉnh lại hệ thống để cho phép người sử dụng chia sẻ bức hình trong tương lai.

Thủ tướng Na Uy trong một bài phát biểu trên đài NRK của Na Uy sau quyết định của facebook cho biết bà rất hài lòng với việc thay đổi quyết định của công ty trên, đồng thời nhận định vụ việc cho thấy tầm quan trọng của ý kiến của người sử dụng mạng xã hội. “Nói lên điều mình nghĩ và nói rõ chúng ta muốn thay đổi. Việc đó có tác dụng. Và nó khiến tôi hạnh phúc” – bà Solberg nói.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết, vụ việc cũng cho thấy những thách thức đối với các hãng tin tức trong việc lan tỏa thông tin quan trọng khi một thống kê gần đây cho thấy có đến 1 nửa người dân ở các nước phát triển tiếp cận thông tin qua mạng xã hội.

Trong khi đó, các trang như facebook áp dụng các thuật toán cứng nhắc để thực hiện việc sàng lọc hay phổ biến thông tin nên nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng có thể không đến được hay ít đến được với độc giả.

Trong thư ngỏ của mình, ông Hansen cũng kêu gọi CEO Zuckerberg nhận ra và thực hiện vai trò của mình “tổng biên tập quyền lực nhất thế giới” của mình.

Đọc thêm