Fas Angel - "Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án"

(PLVN) - Đội cứu hộ Fas Angel đã không quản ngày đêm đi cứu hộ tại các đám cháy ngay lập tức với tôn chỉ 5 "không": Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án. Những việc đội đã làm khiến người dân cảm phục trước lòng dũng cảm của những “hiệp sĩ giữa đời thường”. Họ đã tự nguyện gánh trên vai những trách nhiệm cao cả với xã hội, với cuộc đời.

VỤ HOẢ HOẠN Ở TRUNG KÍNH: “LỐI THOÁT HIỂM DUY NHẤT ĐÃ BỊ LẤP LẠI”

“Chúng tôi nhận được thông tin về vụ cháy qua tổng đài viên. Lực lượng xe máy của chúng tôi đến hiện trường lúc 1h. Sau khi nhận được tin báo trong vụ hỏa hoạn có người mắc kẹt cần có ô tô để hỗ trợ, chúng tôi đã điều ngay một chiếc xe 04 tới hiện trường. Tôi đến hiện trường lúc 1h10p thì thấy tình trạng người mắc kẹt ở trong ngôi nhà này cao nên đã điều thêm 2 chiếc xe cùng với các tình nguyện viên đến”. (1) Đó là những chia sẻ của anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội cứu hộ Fas Angel trong đám cháy đêm 24/5 vừa qua. Anh Phạm Quốc Việt sinh năm 1987, quê ở Nam Định, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh thành lập đội Sơ cứu - Cứu nạn miễn phí gồm 5 thành viên từ tháng 9/2019. Đến nay, đội có hàng chục thành viên và tình nguyện viên. Riêng năm 2023, đội đã hỗ trợ, cứu thương cho gần 3.000 nạn nhân, mở trạm cứu hộ cung cấp dịch vụ sửa xe, cứu hộ xe tai nạn…

(2) Anh Việt và Fas Angel đã từng cứu hộ ở nhiều vụ cháy nên các khâu đều được thực hiện hết sức khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn để công tác cứu nạn được diễn ra nhanh chóng. “Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng ngay từ những phút đầu tiên, từ chạy dây cho tới hỗ trợ các vật dụng khác, chuẩn bị bình oxy, các trang thiết bị hỗ trợ thở và các vấn đề sơ cứu. Lực lượng cứu hỏa đã cố gắng dập tắt ngọn lửa rồi tính phương án để đưa những người bị nạn ra khu vực an toàn để sơ cứu, sau đó bàn giao cho lực lượng cấp cứu để đưa đến bệnh viện gần nhất, hỗ trợ cho các nạn nhân.

(3)Theo anh Việt, nhà trọ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ: “Theo tôi được biết, đây là một trong những ngôi nhà rất nhiều xe máy, xe đạp điện để sửa chữa, rất dễ phát hỏa. Nhưng ngoài sự cảnh báo của nhiều người thì ngôi nhà này vẫn cho thuê. Khi tiếp cận hiện trường này trong khoảng sân thì nguyên nhân bắt đầu có thể bùng ra cháy là bãi để xe và một số các vật dụng khác. Có rất nhiều phương tiện cháy trơ khung lại, để lấp luôn cả lối cổng của ngôi nhà là nơi có thể thoát hiểm duy nhất. Tôi còn nhớ ở trong đó có những chiếc bình ắc quy của xe máy điện đang còn xì khói. Chúng tôi dập thế nào thì nó cũng không tắt được”. (4) Lối thoát hiểm duy nhất đã bị chặn lại, những người bên trong không thể thoát ra ngoài cũng là nguyên nhân khiến thương vong tăng lên. Những người xấu số ra đi để lại mất mát rất lớn với người thân ở quê nhà. Tiếng khóc nức nở của gia đình họ khiến người ta không khỏi xót xa.

(5) Còn nhớ đám cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra trước đó đã để lại hậu quả vô cùng ám ảnh. Tuy nhiên, theo anh Việt - người từng cứu hộ tại hoả hoạn năm ngoái thì vụ cháy ở Trung Kính có tỉ lệ tử vong cao hơn: “Nhiều người cho rằng vụ cháy KH là một trong những vụ cháy kinh hoàng. Tôi không phủ nhận nhưng nếu tính về tỉ lệ thì ở trong khu vực nhà ở này có khoảng 20-23 người, trong khi đó số người tử nạn lên tới 14 người. Như vậy so về tỉ lệ nó không hề thua kém vụ ở KH”. (6) Ngọn lửa không có mắt sẽ thiêu rụi tất cả, thứ mà nó để lại chỉ là bãi tro tàn cùng với những tiếng khóc nấc của thân nhân. Vấn đề này không phải bây giờ mới được đặt ra mà nó đã được báo động từ sau vụ cháy năm ngoái. Chúng ta cần phải nghiêm túc có trách nhiệm với mạng sống của mình bởi khi hỏa hoạn xảy ra, dù lớn hay nhỏ thì thiệt hại là điều không thể tránh khỏi. Tự trang bị cho bản thân những kĩ năng về thoát hiểm thoát nạn, quy định về phòng cháy chữa cháy để biết cách thoát thân nếu rơi vào nguy hiểm là điều thực sự cấp bách. Các hộ gia đình, đặc biệt là các chủ nhà trọ cần phải trang bị thang dây, bố trí lối thoát hiểm an toàn. Những người đi thuê trọ trước khi kí hợp đồng cần tìm hiểu xem căn nhà đó có đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy hay không. Chính phủ cũng cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lí triệt để với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

(7) Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới anh Phạm Quốc Việt cùng đội cứu hộ Fas Angel đã không quản ngày đêm đi cứu hộ tại các đám cháy ngay lập tức với tôn chỉ 5 "không": Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án. Những việc anh và đồng đội làm khiến người ta thật cảm phục trước lòng dũng cảm của những “hiệp sĩ giữa đời thường”. Họ đã tự nguyện gánh trên vai những trách nhiệm cao cả với xã hội, với cuộc đời.

Đọc thêm