FT, dòng xe tăng huyền thoại

(PLO) - Vào ngày 31/5/1918, quân Đức bất ngờ tấn công vào khu vực gần Rừng Retz, gần Ploisy thuộc đông bắc Pháp. Đó là năm cuối cùng của Đại chiến Thế giới thứ nhất, và quân Đức đang cố sức đánh lại quân đồng minh. Trong lúc tìm cách kháng cự, các đơn vị Pháp tại Retz được tăng viện. Trong số lực lượng tăng viện có loại xe mới: chiếc tăng FT. 
Một chiếc xe tăng FT trong Thế chiến 1
Một chiếc xe tăng FT trong Thế chiến 1

Nếu so với những chiếc xe tăng đồ sộ, di chuyển ì ạch của Anh vốn được sử dụng và đem lại những kết quả khác nhau trong thời gian 18 tháng trước đó thì những chiếc tăng mới này quả là tí hon. Chúng chỉ có chỗ cho hai người ngồi bên trong.

Thế nhưng chúng hoạt động hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên. Tổng số 30 chiếc tăng được vội vã đưa ra chiến trường nhằm giúp đẩy lui quân Đức. Những chiếc tăng ngưng tiến lên chỉ bởi lực lượng bộ binh không thể chạy theo kịp. Sự xuất hiện của chiếc xe tăng là một huyền thoại thời hiện đại - chiếc xe chạy ì ạch có gắn súng - đã giúp chấm dứt Đại chiến Thế giới thứ nhất chỉ trong thời gian tính bằng tuần.

Tại nơi xảy ra sự kiện này, một thế kỷ sau đó, nay có một tấm biển ghi nhớ lại việc lần đầu tiên loại xe tăng được cho là “ông tổ” của mọi loại xe tăng hiện đại.

Thế trận bế tắc khi chưa có xe tăng

Kể từ cuối năm 1914, quân Đức và quân Anh - Pháp đã đối mặt nhau trên các chiến hào trong thế bế tắc. Cuộc chiến ở Mặt trận phía Tây thường xảy ra các cuộc tấn công bất ngờ, khi một bên tìm cách phá vỡ trận tuyến của phía bên kia bằng các cuộc nã đạn pháo dữ dội, rồi sau đó là cuộc xông lên của hàng chục ngàn quân. Các cuộc tấn công như vậy trở nên hao tổn sinh lực tới mức không thể chấp nhận nổi. 

Dây kẽm gai là thứ khó vượt qua và mất nhiều thời gian để gỡ bỏ. Súng máy có thể liên tục hạ gục đối phương từ khoảng cách cách xa hàng trăm mét. Các hầm bê tông và các chiến hào được xây dựng tốt giúp binh lính đối phương được bảo vệ an toàn ngay cả khi bị hàng trăm cây súng dội đạn xuống.

Cả Anh lẫn Pháp đều lo lắng rằng họ sẽ mất hết quân sau các cuộc tấn công thất bại nơi tiền tuyến bởi không thể chọc thủng được hàng phòng ngự của Đức.

Một nhóm các nhà sáng chế và các kỹ sư có tầm nhìn khi đó đã cùng đưa ra một ý tưởng: cần phải có một loại xe nào đó, loại xe phải được được trang bị vũ khí và được bọc thép, phải có khả năng tạo ra những khoảng trống giữa những đám dây thép gai, húc đổ các chốt, các hầm đặt súng máy, và phải bảo vệ được bộ binh trong một quãng đủ dài để tấn công và chiếm được chiến hào đối phương. Phải như vậy mới đẩy lui được kẻ thù.

Những chiếc xe tăng đầu tiên xông ra sa trường vào tháng 9/1916. Mẫu thiết kế của Anh, xe tăng Mark I, có kích thước cồng kềnh, ì ạch, di chuyển không nhanh gì hơn tốc độ đi bộ, nhưng được trang bị súng máy, đã hoạt động khá hiệu quả.

Thế nhưng Mark I có những hạn chế. Anh vội vã đưa tăng vào sử dụng trước khi các kỹ sư kiểm tra và loại bỏ được hết các lỗi, cho nên có nhiều chiếc bị hỏng vì lỗi cơ khí. Những chiếc xe tăng này bên trong tối tăm, ồn ào, vô cùng nóng nực và chật chội. Khói bụi do động cơ xả ra cùng các nhiên liệu dễ cháy khiến chúng có thể biến những người ngồi trong như ngồi trong cái bẫy chết người.

Việc di chuyển với tốc độ chậm khiến chúng dễ bị tấn công bằng đạn pháo. Thêm nữa, tuy được trang bị súng lớn cannon và súng máy, nhưng các vũ khí này lại được lắp đặt bên hông khiến cho mỗi khi cần nhả đạn là cả chiếc xe tăng phải di chuyển, xoay cho đúng hướng.

Anh liên tục cập nhật thiết kế căn bản của mẫu xe này, nhằm biến nó thành một "vũ khí thần kỳ". Mẫu được cải tiến, Mark IV, được đưa vào sử dụng hồi 1917. Thế nhưng cả Mark I và Mark IV đều cồng kềnh và khó điều khiển; chúng có thiết kế hình thoi nhằm nghiến bẹp mạng dây thép gai xuống bên dưới thay vì để di chuyển hay xoay trở được nhanh gọn. 

Ý tưởng xuất sắc

Ý tưởng được đưa ra lúc này là những chiếc xe tăng mới cần hoạt động nhịp nhàng với lực lượng lục quân, di chuyển ở tốc độ đủ mức để có thể bảo vệ được binh lính tiến quân theo phía sau. Rõ ràng, cái cần có vào lúc này là một loại xe tăng nhỏ hơn, nhẹ hơn để yểm trợ quân lính một khi vượt qua được trở ngại là các chiến hào.

Jean Baptiste Eugene Estienne được đánh giá là một trong những chỉ huy có viễn kiến xuất sắc nhất của Pháp. Ngay từ tháng 8/1914, Estienne đã tin rằng một thứ thiết giáp xa có trang bị súng ống sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột tới. 

"Thưa quý vị, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào trong số hai bên tham chiến đặt được khẩu súng 75 ly lên được chiếc xe có khả năng di chuyển trên mọi địa hình," ông nói với một nhóm sỹ quan pháo binh Pháp hồi năm 1914.

Estienne được vị tướng chỉ huy quân đội Pháp, Tướng Joffre, yêu cầu nghiên cứu thiết kế vũ khí mới. 

Estienne sau đó tiếp cận một trong các nhà thiết kế xe hơi có tiếng nhất của Pháp, Louis Renault. Các nhà máy của Renault khi đó đang bận sản xuất các loại xe khác, và hãng từ chối tham gia. Thiết kế được dựa trên mẫu máy kéo Holt do Mỹ sản xuất, là một dự án quá tham vọng đối với một kỹ sư chưa từng làm một loại xe bánh xích nào.

Vậy là Estienne quay sang hãng Schneider, vốn đã làm ra chiếc xe tăng hoạt động được đầu tiên của Pháp, xe CA1. Giống như các xe tăng Anh, chiếc CA1 to lớn cồng kềnh và di chuyển chậm, được thiết kế nhằm vượt qua vùng đất có rải rác các miệng hố không người ở và tiến vào các chiến hào của đối phương. Nhưng khác với xe tăng Anh, chiếc CA1 và đời xe anh em với nó, Saint Chamond, kém hiệu quả khi hoạt động. Chúng về căn bản chỉ là gắn một khẩu súng 75 ly lên phía trước của chiếc máy kéo cỡ lớn.

Nhưng Renault có một ý tưởng khác. Ông nghĩ rằng một khi đã vượt qua được các chiến hào và các khoảng đất bị đạn pháo cày nát thì nhu cầu cấp bách khi đó sẽ là cần một loại xe tăng nhỏ hơn, nhẹ hơn - là loại xe có thể tỏa ra và tấn công đội hình địch từ phía sau, theo cách thức mà lính kỵ binh đã làm từ nhiều thế kỷ qua. 

Renault cũng nhận thấy rằng các động cơ thời đó không đủ mạnh để di chuyển chiếc xe tăng nặng nề đi qua các vùng địa hình phức tạp ở tốc độ hiệu quả. Ông quyết định tạo ra sản phẩm nhẹ hơn nhiều. Chiếc Mark IV của Anh nặng tới 29 tấn, nhưng chiếc xe tăng mới thì chỉ nặng có 7 tấn, khiến nó không bị lún khi đi vào các vùng đất mềm, bị đạn pháo cày nát giữa các chiến hào.

Thiết kế “nhìn xa trông rộng” 

Renault hợp tác với nhà thiết kế Rodolphe Ernst-Metzmaier để cho ra mẫu xe tăng mới. Mẫu mới có những điểm mang tính cách mạng. Nó là loại xe đầu tiên có trang bị vũ khí - với một khẩu súng máy hoặc là một khẩu pháo 37 ly - đặt trên tháp pháo xoay được 360 độ.

Trong lúc xe tăng Anh chở đội tăng 12 người, thì chiếc tăng mới này chỉ cần hai người, gồm một lính lái tăng ngồi phía trước, và một chỉ huy hoặc pháo thủ ngồi ngay phía sau điều khiển tháp pháo. Động cơ được đặt phía sau, trong một khoang riêng - là thiết kế mà kể từ đó hầu hết các xe tăng đều làm theo.

Có những sáng kiến khác nữa được ẩn giấu trong thiết kế của Renault.  Chiếc xe tăng làm mát động cơ bằng cách hút không khí mát từ phía trước xe rồi xả khí nóng ra phía sau. Điều này khiến việc lái xe trở nên dễ chịu hơn nhiều so với chiếc Mark I hay IV.

Các nhà thiết kế cũng đảm bảo rằng động cơ vẫn làm việc khi nằm ở vị trí nghiêng, lúc tăng di chuyển ở độ dốc cao, và điều này cho phép xe tăng leo lên, leo xuống các hố sâu do đạn pháo cày xới thành mà không bị bó máy. Kết quả là đội tăng hai thành viên của FT di chuyển khá thuận tiện và thoải mái ở tốc độ tới 11kmh, là tốc độ không thể xem thường vào năm 1918.

Việc thiết kế nhằm phục vụ cách đánh là hàng đàn xe tăng nhỏ với lính bộ binh đi phía sau sẽ tràn lên áp đảo hàng phòng ngự đối phương, bứt phá qua các chiến hào và sau đó tản ra các hướng khác nhau.

Bộ chỉ huy Pháp nhìn thấy tiềm năng nhiều hứa hẹn của mẫu tăng này, và đã ra kế hoạch sản xuất hơn 12 ngàn chiếc tính đến cuối năm 1919.  Renault chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ, cho nên các hãng sản xuất xe hơi khác cũng lên kế hoạch, tham gia dây chuyền sản xuất.

Dần dần, trong năm 1918 ngày càng có nhiều xe FT được xuất xưởng, khiến chúng có thể được đưa vào sử dụng với số lượng lớn.  Trong những tháng cuối cùng của năm 1918 là thời kỳ FT được ráo riết thiết kế chỉnh sửa, khi mà việc phòng ngự của Đức trở nên kém hiệu quả và Đức phải rút quân nhanh chóng qua Pháp và Bỉ.