Theo Reuters, trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị của các nhà lãnh đạo G20 là việc mua và phân phối trên toàn cầu vaccine, thuốc và xét nghiệm cho các quốc gia có thu nhập thấp không thể tự trang trải các chi phí đó.
Liên minh châu Âu vào ngày 21/11 dự kiến sẽ thúc giục G20 đầu tư 4,5 tỷ USD để giúp đỡ để giải quyết vấn đề.
“Chủ đề chính sẽ là tăng cường hợp tác toàn cầu để giải quyết đại dịch”, một quan chức cấp cao của G20 tham gia chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày do Ả rập Xê-út chủ trì và được tổ chức theo hình thức trực tuyến vì đại dịch cho biết.
Theo nguồn tin, để chuẩn bị cho tương lai, EU sẽ đề xuất một hiệp ước về đại dịch.
“Một hiệp ước quốc tế sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn và theo cách phối hợp hơn”, Chủ tịch các nhà lãnh đạo EU Charles Michel dự kiến sẽ phát biểu với các lãnh đạo G20 vào ngày 22/11.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong một báo cáo phục vụ cho hội nghị cho biết, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ đáy sâu của cuộc khủng hoảng hồi đầu năm, động lực phục hồi đang chậm lại ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trở lại, sự phục hồi không đồng đều và đại dịch có khả năng để lại những vết sẹo sâu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 20/11 nói rằng, đặc biệt dễ bị tổn thương là các quốc gia nghèo và có những khoản nợ lớn trong thế giới đang phát triển.
Theo dự thảo tuyên bố của G20 tại hội nghị mà Reuters tiếp cận được, để giải quyết vấn đề này, G20 sẽ thông qua kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn thanh toán nợ cho các nước đang phát triển thêm sáu tháng đến giữa năm 2021, với khả năng gia hạn thêm nữa.
Các quốc gia châu Âu trong G20 cũng sẽ tìm kiếm động lực mới cho cuộc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vốn đang bị đình trệ cũng như nỗ lực phối hợp nhiều hơn ở cấp G20 để chống lại biến đổi khí hậu.
Để hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, EU sẽ thúc đẩy G20 thống nhất các tiêu chuẩn chung toàn cầu về những thành tố cấu thành đầu tư “xanh”.