Các cam kết tiếp theo về vũ khí cũng được đưa ra vào ngày 19/5, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo đã cho phép 100 triệu USD (94,4 triệu euro) vũ khí, thiết bị và vật tư bổ sung của Mỹ cho Ukraine.
Các bộ trưởng tài chính G7 cũng đã đạt được một thỏa thuận mới để giữ cho ngân sách của Ukraine ổn định mà không làm mất tác động kinh tế toàn cầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các bộ trưởng và lãnh đạo ngân hàng trung ương từ 7 cường quốc công nghiệp - Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Ý, Vương quốc Anh và Đức - bắt đầu kiểm đếm số tiền mà mỗi quốc gia có thể giải ngân nhanh chóng.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 và các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 do Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner chủ trì diễn ra tại nhà khách liên bang Petersberg, gần Bonn, Đức, ngày 19/5/ 2022. Ảnh: AP |
Mỹ đã xác nhận rằng họ sẽ đóng góp 7,5 tỷ đô la (7 tỷ euro) từ gói viện trợ khổng lồ 40 tỷ đô la (37,8 tỷ euro) mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hôm 19/5. Cùng ngày, Đức đã công bố khoản đóng góp 1 tỷ euro; Chính phủ Anh cho biết sẽ cung cấp 50 triệu bảng Anh (59 triệu euro) để đảm bảo cung cấp điện cho người dân Ukraine thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, nước chủ trì G7 năm nay cho biết ông hy vọng về "tiến bộ hơn nữa" và các cam kết bổ sung vào cuối cuộc họp hôm nay với tổng số tiền hy vọng là hơn 10 tỷ euro.
Để duy trì hoạt động của đất nước, Kiev ước tính cần 5 tỷ USD (4,7 tỷ Euro) mỗi tháng.
Hôm 18/5, Ủy ban châu Âu đã đề xuất "hỗ trợ tài chính vĩ mô mới" cho Ukraine cho năm nay "lên đến 9 tỷ euro". Tỷ lệ các khoản cho vay và viện trợ trực tiếp trong gói hỗ trợ mới này nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận G7.