G7 tăng cường sức ép với Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhóm Bộ trưởng ngoại giao G7 hôm 14/5 tuyên bố sẽ củng cố sự cô lập về kinh tế và chính trị của Nga, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và giải quyết điều mà ngoại trưởng Đức mô tả là "cuộc chiến lúa mì".
Hội nghị thượng đỉnh Ngoại trưởng G7 ở Weissenhaeuser Strand, Đức, ngày 13/5/2022. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh Ngoại trưởng G7 ở Weissenhaeuser Strand, Đức, ngày 13/5/2022. Ảnh: Reuters

Sau cuộc họp tại khu nghỉ mát Weissenhaus ở Biển Baltic, các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng "chừng nào cần thiết".

Họ cũng sẽ giải quyết vấn đề cung cấp lương thực trên khắp thế giới do các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow, theo một tuyên bố chung.

"Chúng ta đã làm đủ để giảm thiểu hậu quả của cuộc chiến này chưa? Đó không phải là cuộc chiến của chúng ta nhưng chúng ta có trách nhiệm toàn cầu", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.

Chìa khóa để gây thêm áp lực lên Nga là cấm hoặc loại bỏ dần việc mua dầu của Nga với các nước thành viên EU. Dự kiến ​​EU sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề này vào tuần tới ngay cả khi Hungary vẫn phản đối ở giai đoạn này.

Các bộ trưởng cho biết họ sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với giới tinh hoa Nga, bao gồm các thành phần kinh tế, các tổ chức chính phủ trung ương và quân đội, được G7 cho là "hậu thuẫn" cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Cuộc họp cũng làm nổi bật những lo ngại về an ninh lương thực và lo ngại rằng ảnh hưởng của xung đột có thể tràn sang nước láng giềng nhỏ hơn là Moldova.

"Chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi cấp bách: làm thế nào để mọi người có thể được cung cấp thức ăn trên khắp thế giới? Mọi người đang tự hỏi mình điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có ngũ cốc mà chúng ta cần lấy từ Nga và Ukraine?" Ngoại trưởng Đức nói.

Bà nói thêm rằng G7 sẽ làm việc để tìm ra các giải pháp hậu cần để đưa các mặt hàng quan trọng ra khỏi kho lưu trữ của Ukraine trước vụ thu hoạch tiếp theo.

Sự chú ý hiện đang chuyển sang Berlin khi các bộ trưởng gặp nhau sau đó vào thứ Bảy (14/5) với việc Thụy Điển và Phần Lan chuẩn bị nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO.