Tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng ai cũng có thể hiểu G7 ám chỉ Trung Quốc. Tuy không nêu đích danh những quốc gia bị Trung Quốc đe doạ về an ninh và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng ai cũng hiểu rằng G7 đứng về phía các quốc gia này. Nhật Bản trong tư cách là nước chủ nhà đã tạo dựng được dấu ấn riêng sâu đậm ở hội nghị này.
Từ trước tới nay, chưa khi nào G7 lại công khai thách thức Trung Quốc như vậy. Lý do trước hết có lẽ phải kể đến vai trò của nước chủ nhà Nhật Bản. Nhật Bản có nhu cầu thực sự và G7 đã thể hiện sự ủng hộ Nhật Bản. Lý do tiếp theo là Trung Quốc đã đi quá xa và đã làm quá nhiều rồi trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng nên giờ G7 không thể không thể hiện thái độ công khai và rõ ràng. Hành động của Trung Quốc đã trở thành mối đe doạ an ninh và ổn định cho cả khu vực mà G7 không còn có thể không quan tâm.
Mặt khác, G7 vừa được phục hồi từ vài năm nay sau khi Nga bị loại ra khỏi khuôn khổ diễn đàn G8 vì chuyện tiếp nhận Crimea. G7 đang nuôi tham vọng trở thành và được công nhận là một kiểu “chính phủ của thế giới”. Một khi đã muốn thế thì G7 không thể bỏ qua được mọi chuyện lớn nhỏ trên thế giới.
Tuyên bố chung này của G7 làm Trung Quốc bị cô lập trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước khác, thay đổi nguyên trạng và quân sự hoá biển Đông. Nó xác lập những nguyên tắc trong quan điểm chính sách của G7 về vấn đề này và như thế rất có lợi cho Nhật Bản và những nước trong khu vực hiện đang bị Trung Quốc gây hấn và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.