Gã giang hồ có “tuyệt chiêu” lè lưỡi đã…“chôm” được dây chuyền

Nhìn người đàn ông trung niên mỗi sáng hiền lành bưng bê phụ vợ bên hàng bún bung, không ai ngờ đó từng là một “ngôi sao” trong “làng hai ngón” vì những chiêu trộm cắp "siêu đẳng"...

 

Lão tên Nguyễn Thanh Phong (SN 1956, ngụ ngõ 29, phố Trần Khát Chân, Hà Nội), có “biệt hiệu” thời trẻ là Phong "khỉ" hoặc Phong "sương gió". "Khỉ" có lẽ là vì bản mặt lão không được đẹp trai, lại còn hay nhăn nhó. "Sương gió", cũng vì câu nói cửa miệng của lão mỗi khi gặp khó khăn "Sợ cái gì? Sương gió phủ đời trai mà anh em". Nhìn người đàn ông trung niên mỗi sáng hiền lành bưng bê phụ vợ bên hàng bún bung, không ai ngờ đó từng là một “ngôi sao” trong “làng hai ngón” vì những chiêu trộm cắp "siêu đẳng"...

Tuổi thơ sa ngã

Phong là út trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ đều là công nhân. Thời bao cấp, tem phiếu của bố mẹ cũng đủ để cả nhà không đến nỗi quá thiếu thốn. Thế nhưng lão lại sớm sa đà hư hỏng. Có lẽ vì là con út được chiều chuộng quá, hay cũng có thể như lão tự nhận sau này "cha mẹ sinh con, trời sinh tính".

Vài chục năm trước, khu nhà lão ở chỉ là một bãi đất rộng sau con đê đất. Nơi đó, người ngoại tỉnh tràn về sau năm 1954 giải phóng Thủ đô dựng nhà cửa khá tạm bợ, nhiều khi chỉ là những túp lều. Thời ấy đất rộng mà lòng người cũng rộng, người cũ người mới sống chan hòa và công tác quản lý của chính quyền tương đối lơi lỏng. Đến những năm 1970, sự phức tạp bắt đầu xuất hiện. Lợi dụng sự tạm bợ vốn có, lợi dụng vùng đất trong đê ít người nhòm ngó, đám ma cô chuyên chăn dắt gái mại dâm đổ về đây thuê nhà để hoạt động. Khu vực này trở thành "khu đèn đỏ" khá nổi lúc bấy giờ. Nổi lên trong đám ma cô phải kể đến Thông "đen", học trò của một võ sư Thiếu Lâm Phật Sơn nổi tiếng. 

Đôi lần chứng kiến Thông "đen" đánh cho những tay anh chị khác tan tác, vốn ham võ nghệ, Phong cùng vài đứa bạn tìm đến xin Thông "đen" truyền dạy. Con mắt lưu manh giúp Thông nhận ra đây chính là lũ "tiểu yêu" sau này cần dùng đến, nên gã lập tức nhiệt tình thu nhận. Phong kể rằng Thông "đen" không dạy những bài quyền như mọi môn phái khác. Sau tầm hơn một tháng học các loại tấn cơ bản, rồi tập tiếp vài ngọn quyền cước, Thông dạy luôn học trò "đòn giang hồ". Nói nôm na là các miếng võ hiểm để ra đường gặp đối thủ có thể áp dụng được luôn. Và "học" đi đôi với "hành", Thông xua đám học trò xuống đường. Hôm thì đi gây sự đòi thi đấu với một lò võ nào đó, gọi là đi "phá lò". Hôm thì dàn trận đánh nhau với một nhóm giang hồ khác.  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cách dạy võ của Thông "đen" không chính thống, nhưng nói không ngoa, đã giúp đám học trò trở nên “dạn dày trận mạc” rất nhanh chóng. Và Phong là đứa áp dụng đòn giang hồ của “thầy” thuần thục nhất. Tuổi thiếu niên của Phong đã bị một gã giang hồ lọc lõi lợi dụng như thế. Mỗi khi trở về sau những vụ đánh lộn, có khi đầy thương tích, Phong vẫn được “thầy” khen thưởng bằng rượu ngon, thuốc lá thơm và thậm chí cả bằng gái. Những thứ “bùa ngải” ấy đã khiến Phong bỏ học và trượt khỏi vòng tay gia đình lúc nào không hay.

Sau đó, Phong trở thành “đại ca” mới làm đám đàn em phấn khởi nên càng hoạt động táo tợn hơn. Thời điểm ấy, có những ngày nhóm của Phong chia nhau hàng chục ngàn đồng, một số tiền không hề nhỏ chút nào. 

“Chiêu độc” trộm tiền vợ

Nhưng mọi chuyện không mãi “xuôi chèo mát mái” được, đã đến lúc các lực lượng chức năng bắt đầu ra tay trấn áp mạnh mẽ. Rất nhiều tay “anh chị” hoặc đi bóc lịch, hoặc nằm bẹp chờ thời. Giữa năm 1976, Phong bị bắt rồi bị xử 24 tháng tù. Lần đi trả giá này, lúc nằm trong nhà giam Hỏa Lò, Phong đã gặp Khánh "trắng" và được tay anh chị nhất nhì Hà Nội sau này tỏ vẻ khá quý mến.

Vào tù lần này, đường về nhà với Phong càng xa lắc. Nghe tin bố viết giấy từ mình, không nhận mình là con, ở trong tù Phong xăm chữ "hận" lên ngực trái, trước khi xăm kín người hình rồng phượng. Ra tù trong tâm thế ấy, Phong gật đầu cái rụp theo các “chiến hữu” ngược Bắc Giang làm nghề áp tải hàng lậu. Cần biết rằng thời điểm ấy, mọi thứ hàng buôn bán ngoài quốc doanh đều là hàng lậu. Dọc tuyến đường từ Lạng Sơn về Hà Nội ngày ấy biết bao bất trắc như cướp hàng, trộm cắp... Phong lúc thì ngồi luôn trong thùng hàng, lúc thì ngồi ca bin, súng lục luôn dắt sau lưng. Va chạm xảy ra như cơm bữa, Phong kể lại rằng “đời mình vẫn còn đỏ lắm khi chưa phải rút súng bắn ai. Vài trường hợp quá căng thẳng, cũng phải rút súng nhưng chỉ là hù dọa mà thôi”. 

Hiểm nguy như thế nhưng bù lại, Phong kiếm tiền như nước. Và  không chỉ có tiền, tình yêu cũng đến với Phong trong giai đoạn này. Người tình đầu đời của Phong là một dân buôn chuyến cỡ bự, đẹp và chơi bời nức tiếng ở phố Bạch Mai (Hà Nội). Người đàn bà đẹp ấy đã kéo được Phong khỏi Bắc Giang, đưa chàng về nhà mình ở ngõ Mai Hương (phố Hồng Mai bây giờ).

Chồng khá có tiếng tăm trong giới giang hồ, vợ “dựa hơi” chồng để đi nhiều chuyến hàng trót lọt, cuộc sống của họ cũng khá đỉnh đương. Êm đềm được vài năm thì Phong dính vào đam mê cờ bạc. Âu cũng là tác hại của sự "nhàn cư vi bất thiện". Có tiền, lại không phải làm gì vì có vợ đảm đang chạy chợ, Phong suốt ngày tụ tập ăn chơi. Và nơi Phong hay đến nhất là sới xóc đĩa ở làng Mai Động, sới bạc có tiếng dành cho giới giang hồ thời những năm 1980. 

Tiền bạc, của cải trong nhà nhanh chóng “đội nón ra đi” sau những canh bạc phá trời của Phong. Đến lúc này thì dù là “chịu chơi” thì cô vợ cũng không tài nào chịu nổi. Hai vợ chồng bắt đầu thường xuyên to tiếng. Phong chua chát kể rằng lão “không bao giờ đánh vợ, nhưng những chiêu nã tiền vợ thì chắc chỉ có mình nghĩ ra mà thôi”.

Có đêm thua nhẵn túi về nhà, Phong bỗng mò lên giường ôm vợ. Nghĩ chồng ăn năn, hối hận nên vợ cũng nhiệt tình đáp lại. Người phụ nữ từng trải cũng không thể ngờ rằng trong lúc âu yếm như thế, Phong vẫn đủ khéo léo nhớ lại “ngón nghề” ngày xưa: Dùng răng và lưỡi tách chiếc dây chuyền 5 chỉ vàng vợ đeo trên cổ.

Xong việc, Phong nhẹ nhàng vơ sợi dây chuyền đã rơi trên giường, nói là đi vệ sinh. Bỏ lại vợ vẫn mơ màng, Phong đánh độc một chiếc quần đùi, trèo cửa sổ nhà tắm, tiếp tục đi tìm “vận đỏ đen”. Đến nước này thì người vợ không chịu nổi nữa và chia tay. “Trai tứ chiếng, gái giang hồ”, đến với nhau không hôn thú thì ra đi cũng dễ dàng.

Ánh sáng cuối đường hầm

Đúng vào lúc tưởng như mọi cánh cửa đã khép lại với Phong, thì phía cuối đường, ánh sáng lại ùa về. Một ngày giữa những năm 1980, khi nghe quản giáo vào báo có người thân thăm gặp, Phong không tin vào tai mình nữa. Mẹ Phong xuất hiện ở cửa phòng thăm, dáng còng vì năm tháng, đi cùng bà là một cô gái lạ. Mẹ Phong lập cập ôm lấy đứa con út tội lỗi, nước mắt gần chục năm xa cách của hai mẹ con cứ thế tuôn trào. Qua câu chuyện, Phong biết bố đã mất. Đến lúc chết, ông vẫn không tha thứ cho Phong. Còn mẹ Phong thì vẫn luôn cố gắng dõi theo bước chân của con trai, và lần này thì bà cảm thấy không thể bỏ mặc thằng út được nữa. Bỏ qua lời hứa với vong linh chồng, bất chấp sự ngăn cản của các con trai lớn, bà lặn lội lên Thái Nguyên, quyết đưa thằng út về nẻo sáng. Bởi vì suy cho cùng, sự sa ngã của Phong cũng có một phần lỗi của bà, đã quá nhu nhược trước sự gia trưởng quá mức của chồng con. 

Cô gái đi cùng bà hóa ra Phong cũng biết. Cô là Nguyễn Thanh Huyền, em gái của một “chiến hữu” của Phong nhưng đã chết vì sốc ma túy. Cô biết Phong từ nhỏ, luôn thương cảm số phận của Phong và đã dành tình cảm cho Phong từ lúc nào không biết. Từ đó, tháng nào Huyền cùng mẹ cũng lên thăm Phong. Hoặc khi mẹ Phong yếu mệt không đi được, cô cũng không để đứt bữa thăm nuôi bao giờ. Huyền không đẹp nhưng tấm lòng đôn hậu của cô đã chinh phục được Phong. Có mẹ già và một người con gái chờ ngoài xã hội, Phong đã có động lực để cải tạo thật tốt. Phong được khen thưởng nhiều lần vì có thành tích cải tạo tốt, đến năm 1990 thì được đặc xá tha tù.

Một đám cưới nhỏ nhưng đầm ấm đã diễn ra ngay căn nhà ngõ 29 phố Trần Khát Chân. Kể từ đây Phong có thêm người vợ tảo tần xẻ chia gánh nặng gia đình. Rồi hai cô con gái “trứng gà trứng vịt” lần lượt ra đời. Phong không có công ăn việc làm, lương của vợ thì “ba cọc ba đồng”. Để lo cho mẹ chồng và hai con nhỏ, chị bàn với chồng bật ra đường kiếm sống. Hàng bún bung ra đời từ đó. Trời thương cho được đông khách từ những ngày đầu tiên, nên cũng tàm tạm để duy trì cuộc sống. Phong rũ bỏ hoàn toàn quá khứ, dồn hết sức lực phục vụ gia đình. Sáng sớm lão pha xương, thái thịt, bán hàng thì giúp vợ bưng bê, rửa bát. Lão đặt thêm hàng nước chè phục vụ khách ăn bún, rồi bán tiếp khi vợ dọn hàng bún, đến tận sẩm tối mới chịu nghỉ. 

Cố quên đi bùn nhơ

Nửa đời người trả giá cho sai lầm nên những bùa ngải của giang hồ đã không mua chuộc được Phong nữa. Quãng năm 1993, một lần đang rửa bát, lão bỗng thấy lạnh toát sau lưng. Khánh "trắng" vừa nhảy xuống khỏi xe Jeep, theo sau là 3 gã đàn em vẻ mặt cô hồn, reo lên hồ hởi: "Tôi nghe anh em kể chuyện ông “rửa tay gác kiếm” về phụ vợ rửa bát quét nhà. Đừng mất giá thế người anh em. Lên với tôi, tôi giao hẳn cho ông một cửa ở chợ Đồng Xuân, tha hồ kiếm sống nuôi vợ nuôi con". Lão nghĩ Khánh "trắng" ngày ấy tên tuổi “nổi như cồn” trong giới giang hồ Hà Nội, chỉ một lần lỡ lời thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Suy nghĩ thật kỹ, Phong nắm tay Khánh "trắng" nhẹ nhàng: "Tôi bây giờ vô dụng rồi, không còn sức lực để có thể theo giúp việc ông nữa. Ông cho tôi an phận với vợ con nhé!" Khánh "trắng" sững người một lát rồi chợt cười lớn: "Ông quyết thế thì tôi không ép. Nhưng từ thời trẻ, tôi vẫn luôn quý cái nghĩa khí của ông. Nhớ là có cần bất cứ việc gì, cứ đến gặp tôi, đừng ngại". Khánh "trắng" nhảy lên xe Jeep phóng đi. 

Cuộc sống của Phong sau này còn gặp rất nhiều khó khăn. Trên có mẹ già, nách hai con thơ, có lúc thiếu thốn là không tránh khỏi. Nhưng không bao giờ Phong tìm sự giúp đỡ từ Khánh "trắng" cũng như bất cứ “chiến hữu giang hồ” nào khác. Và sự thật là Phong đã chọn đúng. Vài năm sau, Khánh "trắng" nhận án tử hình vì những trò động trời hắn gây ra. Phong "khỉ" thì vẫn tiếp tục cuộc sống đạm bạc nhưng êm đềm hạnh phúc.

Trong liền hai năm, gia đình Phong nhận 2 tin vui. Năm trước cô con gái lớn đỗ vào khoa Báo ảnh, Học viện Báo chí và tuyên truyền. Năm sau cô em theo chị đỗ khoa Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ. Phong kể chuyện con gái mà mắt hấp háy: “Bố thì súng bắn bên tai mặt không đổi sắc. Con gái thì vừa nghe tiếng nổ đã vứt súng bỏ chạy. Thế mà các cụ cứ dạy "hổ phụ sinh hổ tử" cơ đấy”. Phong nói đùa thế thôi chứ thực ra lão đang hạnh phúc lắm. Đời lão đã nửa đời sai lầm, nay hạnh phúc chỉ là sự ngoan ngoãn, nên người của các con. 

Chia tay, lão gãi đầu nhớ ra đời giang hồ của lão còn một điều may mắn nữa là không bao giờ dính vào xì ke ma túy. Lão nói: “Ai ghét tôi thế nào thì tôi ghét ma túy như thế. Bao nhiêu tay anh chị từng xưng hùng xưng bá, nhưng cứ dính vào ma túy là tàn đời, không chết thảm thì sống cũng nhục nhã vô cùng, chẳng còn đường rút về cuộc đời lương thiện như cuộc đời của tôi”.

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm