Không xa rời cuộc sống
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ 2 nội dung: Thứ nhất, làm sao hệ thống trường chuyên phải tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện, trên cơ sở đó bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh; Thứ hai, hiện chúng ta chưa đầu tư nhiều cho trường chuyên; sắp tới, cần đầu tư nhiều hơn và đầu tư sáng tạo hơn. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, giáo dục toàn diện là đảm bảo phát triển hài hòa các mặt của con người (đức - trí - thể - mỹ); mọi học sinh cần được phát triển những mặt đó để đạt mục tiêu chung của giáo dục phổ thông, để con người sống được bình thường trong xã hội; trên cơ sở đó, phát triển được năng khiếu riêng của từng người.
Đánh giá chung về Đề án, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT cho biết: Sau 5 năm thực hiện, hệ thống giáo dục chuyên có sự phát triển mạnh mẽ. Đề án phát triển hệ thống trường chuyên đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội vì mục tiêu trường chuyên.
Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến mạnh, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi ĐH, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua. Việc nâng trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh được các trường chú trọng; việc thí điểm dạy học một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã đạt được những kết quả ban đầu; việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia được các trường chuyên đưa vào nhiệm vụ hàng năm.Việc tổ chức giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục trong nước được nhiều trường chuyên thực hiện tốt; việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài đã được một số trường chuyên thực hiện.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (từ năm học 2011- 2012), Bộ GD-ĐT đã đưa việc thi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào thi môn Ngoại ngữ. Từ năm học 2012 - 2013, Bộ tiếp tục đưa nội dung thi thực hành, thí nghiệm vào thi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Đối với việc thi chọn và tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế đã có sự điều chỉnh như: Tổ chức thêm vòng thi tuyển chọn; tăng thời gian tập huấn đội tuyển quốc gia... Với những điều chỉnh này, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Số lượng và chất lượng giải của đội tuyển quốc gia các môn khoa học thực nghiệm được nâng lên rõ rệt.
Khó qua lối mòn “luyện gà nòi”?
Là một trong những học sinh đầu tiên trong lớp Toán tài năng đầu tiên từ thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Tạ Quang Bửu, TS. Toán Lê Thống Nhất cho rằng, đã đến lúc phải đặt thành vấn đề nghiêm túc và phải tập trung giải quyết làm sao phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và học sinh đi theo hướng nghiên cứu khoa học.
Thực tế, hầu hết những trường chuyên, lớp chọn đều đã trở thành những điểm sáng giáo dục của cả nước, trong đó rất nhiều thế hệ học sinh giỏi đã được phát hiện và đào tạo, nhiều người trong số đó rất thành công sau này về nhiều lĩnh vực so với mặt bằng xã hội nói chung. Tuy vậy, mọi thứ dường như chững lại sau khi những “gà nòi” học hết phổ thông. Bởi học sinh trường chuyên đồng nghĩa với việc luyện thi cho các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Và khi mà các trường chuyên hiện nay với hàng ngàn học sinh thì không thể đòi hỏi các em đều là những nhân tài.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, từ lâu chúng ta đã có quy chế tuyển thẳng vào đại học với những học sinh giỏi đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng, thay vì kỳ vọng cao hơn ở những người này chứ không chỉ dừng lại ở việc vào học đại học, việc mà hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn học sinh học lực khá trong cả nước có thể làm được, người ta lại luôn cân nhắc xem có nên tuyển những học sinh này vào đại học hay không, nếu tuyển thì như thế nào?!
Có thể coi những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi này như những “đại diện sáng giá” cho trí tuệ của học sinh phổ thông, vì lẽ họ là số ít người đạt được kỳ vọng của các thầy, cô giáo giỏi, vượt qua được rất nhiều kỳ thi “sàng lọc” khó khăn trước đó. Mà kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có thể coi như lần “sàng lọc” cuối cùng yêu thích môn chuyên chứ đừng nói là bồi dưỡng học sinh giỏi. Lẽ ra phải kỳ vọng cao hơn ở những người này và tập trung thảo luận xem nên đào tạo tiếp họ ở bậc học đại học ra sao, từ đó khuyến khích họ đi theo con đường khoa học thì người ta lại chỉ tập trung thảo luận xem có nên tuyển thẳng họ vào đại học hay không mà thôi.
Thực tế, sau khi học xong phổ thông, ngoại trừ một số ít người có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, có cơ hội tìm hiểu thông tin và được đi nước ngoài học từ sớm, phần lớn còn lại sẽ tiếp tục học đại học trong nước. Tuy ở bậc đại học cũng có những hình thức tổ chức tương tự như trường chuyên lớp chọn (các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, hợp tác với nước ngoài…) nhưng chỉ một số ít trường tổ chức mô hình này. Thực tế, các sinh viên giỏi ở đại học chưa được gắn bó thực sự với việc nghiên cứu khoa học.
Và khi học xong đại học, rất nhiều người không có ý định đi theo con đường nghiên cứu nữa. Bản thân họ cũng đã không còn đam mê về khoa học, cả ý chí, lẫn khả năng. Bởi tài năng khoa học nói chung phải là kết quả của cả một quá trình rèn luyện liên tục. Mất đến cả chục năm học phổ thông mới có thể đào tạo được số lượng học sinh này, nhưng chỉ cần thiếu định hướng khoảng 4-5 năm thôi là đủ để chúng ta mất đi đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học tài năng.
Đồng thời, theo những người trong cuộc, tại các kì thi học sinh giỏi, hiện nay đã hình thành những trung tâm, những “lò luyện thi” từ các tỉnh được dồn về một thành phố lớn nào đó để luyện thi. Và nhiều khi các em thành công hay không khi tham gia các kì thi lại chính bởi bài thi đó “quen” hay “lạ”, nghĩa là các em có điều kiện để được luyện thi hay không. Bởi thế, câu chuyện học sinh chuyên để thi học sinh giỏi hay đào tạo nhân tài dường như vẫn mãi là hai việc hoàn toàn khác nhau...