Bi hài: Thi trong nước không nổi ra nước ngoài kiếm bằng ĐH

(PLO) -“Chuyện bằng cấp ở nước ta có quá nhiều mảng lập lờ. Tôi biết nhiều người, khi ở trong nước thì học rất kém, thậm chí thi đại học không đủ điểm sàn nhưng chỉ sau một thời gian ra nước ngoài, họ đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi. Nhiều người không cần đi học, không cần biết trường đó ở xó xỉnh nào nhưng cũng có bằng” - chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, TS.Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Bi hài: Thi trong nước không nổi ra nước ngoài kiếm bằng ĐH

Bằng Tiến sỹ không có giá trị sử dụng

Những ngày này, chuyện ông Lê Kim Toàn Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định làm tiến sĩ quản lý giáo dục tại Trường Đại học Bulucan State (Philippines) bằng tiền ngân sách nhà nước với tổng chi phí 386 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận. 

Có thể nói, vấn đề bằng cấp do trường đại học nước ngoài cấp vẫn luôn nóng. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản bạn sẽ có trong tay những địa chỉ sẵn sàng cung cấp bằng giả nước ngoài. Từ bằng ở các trường nổi tiếng như Mỹ, Anh, Úc đến Đức, Pháp, Singapore... Tất cả chỉ bằng một cú điện thoại và 7 ngày sau sẽ có một tấm bằng và bảng điểm đẹp như mơ.

Chúng ta từng có cán bộ du học dỏm, lấy bằng dỏm, như trường hợp Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) chỉ sau 6 tháng. Trường này nghe đồn của Mỹ, nhưng ông phó bí thư học ở Malaysia cho nó tiện. Kết quả là, cái bằng tiến sĩ đó không được Bộ GD-ĐT công nhận nên coi như tỉnh nghèo Yên Bái vứt một đống tiền cho ông phó bí thư đi du lịch thì dài ngày.

Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ có một Giám đốc Sở đã lấy bằng Tiến sĩ ở Mỹ nhưng lại không biết tiếng Anh. Sau đó, báo chí cũng phát hiện ra rằng cơ sở cấp bằng cho vị cán bộ này là một tổ chức rởm, thành lập ra chỉ để bán bằng và đã giải thể.

Theo báo Sài gòn tiếp thị, tờ báo đầu tiên “khui” ra vụ việc này, thì ở tỉnh Phú Thọ có đến 10 vị được đào tạo thành Tiến sĩ theo kiểu tương tự. Rồi nữa, là chuyện một vị nguyên là thứ trưởng bộ Y tế bị nghi ngờ sử dụng bằng tiến sĩ dược rởm. Còn bằng đại học Đức của “quả bom” Lý Nhã Kỳ cũng bị cho là giả.

Quay trở lại sự việc ông Lê Kim Toàn, từ năm 2011-2013, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, ông được Tỉnh ủy cho đi học tiến sĩ theo hình thức du học ngắn ngày. Không biết ông Lê Kim Toàn học thật hay mua bằng, nhưng cái kiểu khai báo không minh bạch của ông làm thiên hạ nghi ngờ. Khi thì ông khai thạc sĩ, khi thì ông khai tiến sĩ quản lý giáo dục. 

Không chỉ cán bộ, năm ngoái, Sở Nội vụ Hà Nội thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội có 63 thí sinh thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển. Đó là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.

Kết quả có 30 đã không qua được kỳ sát hạch. Trong số những người không đạt có 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật Hóa học, Ngữ văn. 25 thí sinh còn lại không qua được kỳ sát hạch vừa qua đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.

Có những trường ĐH “ma” không bao giờ được công nhận

Có những trường ĐH “ma” không bao giờ được công nhận

Trượt trong nước thì… du học

Với câu chuyện Hà Nội, GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với báo chí: “Vấn đề được đặt ra ở đây đối với những sinh viên du học ở nước ngoài họ học ở trường nào? Bởi theo tôi được biết, ngay ở nước tiên tiến như Mỹ thì cũng có trường đại học, cao đẳng chất lượng đào tạo thấp, học phí rẻ.

Sinh viên tốt nghiệp ở những trường này dù bằng giỏi nhưng cũng không xin được việc làm. Còn đối với những sinh viên học ở những trường trong top 10 - 50 hoặc ít nhất top 100 thì chắc chắn họ sẽ được thâu nạp kiến thức bài bản.

Bởi, học ở nước ngoài cũng có 5, 7 loại với nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, việc các cơ quan nhà nước phải kiểm tra hồ sơ, tổ chức thi tuyển là phù hợp và cần thiết để tránh bị “đánh lừa”. 

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ: Khi mà thực tế, nhiều cô chiêu cậu ấm không thể đỗ đại học trong nước, nhiều người trong số họ vác tiền ra nước ngoài học nhưng chỉ là học ở những trường địa phương, chất lượng đào tạo “phọt phẹt” và tặc lưỡi “cốt được tấm bằng ngoại”.

Một bằng thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở nước ngoài cấp có thể thật 100% với tên cơ sở và con dấu được đăng ký chính thức tại nước sở tại. Tuy nhiên nó lại “rởm” 100% vì nước sở tại không đưa văn bằng đó vào hệ thống chuẩn quốc gia của họ.

Nói cách khác, những văn bằng “ngoài luồng” đó không được công nhận là văn bản hợp pháp để công dân được hưởng các chế độ mà văn bằng hợp chuẩn mang lại. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra, thẩm định thì tấm bằng đó có thể “lòe” được khá nhiều người.

Trước những thắc mắc của dư luận về việc một số trường đại học trong danh sách 21 trường “ma” vẫn tồn tại, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) cho biết, thông tin về 21 trường đại học “ma” đã được đưa ra từ năm 2010.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã vào cuộc và đóng cửa một số chương trình liên kết đào tạo không đúng. Còn lại những trường có tên trong danh sách đang tuyển sinh toàn cầu (trong đó có Việt Nam) là tuyển sinh trực tuyến nên người học có thể đăng kí học trên mạng. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận.

Trong đó, nhiều cơ sở dạy trực tuyến và hoạt động trên mạng (phủ khắp thế giới chứ không riêng ở Việt Nam) và bán sản phẩm. Việc mua sản phẩm nào là do người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng có ý thức và nghiêm túc thì không bao giờ bị lừa. Còn nếu người dùng cố tình vì nhiều mục đích khác nhau, đó là lựa chọn của họ.

Ông Vang cho biết thêm, khi xử lý những thông tin về danh sách 21 trường đại học này, Cục Đào tạo với nước ngoài đã có văn bản tới Đại sứ quán Mỹ và đã được trả lời cụ thể. Trong đó, theo Đại sứ quán Mỹ, với luật pháp Mỹ, bất cứ trường học nào đều phải có giấy phép trước khi có được xét công nhận hay không. Vì vậy, tất cả các trường đều có giấy phép nhưng rất nhiều trong số đó không bao giờ được công nhận. 

Người học có thể tham khảo danh sách khoảng 4.000 trường đại học được kiểm định chất lượng cấp khu vực và cấp quốc gia do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng kiểm định CHEA công bố (tại địa chỉ: vietnam.usembassy.gov/accreditarion.html). Kiểm định cấp khu vực và cấp quốc gia là sự đảm bảo chắc chắn nhất rằng, khoảng 4.000 trường đại học này tuân thủ những tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức kiểm định đề ra.

Theo đó, Đại sứ quán Mỹ cũng khuyến cáo người học nên sử dụng danh sách này trước khi nghiên cứu về chất lượng của một trường đại học nào đó ở Mỹ. Tiến sĩ Mark A.Ashwill, Viện Giáo dục quốc tế (IIE) tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về những “lò cấp bằng” ở bang Wyoming (Mỹ), một nơi trú ẩn an toàn của những trường ĐH không được thẩm định:

“Thành phố Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming, là nơi ra đời 6 trường ĐH từ xa, 5 trong số đó nằm ngay gần nhau chỉ cách một vài tòa nhà. Một ví dụ điển hình là ĐH công nghệ Paramount, gồm hai văn phòng ở tầng trệt của một cửa hàng trong khu phố cổ mà thôi…"

Đọc thêm