Gã Việt kiều 40 lần quậy phá các trại giam từ Nam ra Bắc

Nguyễn Trung Xuân (SN 1980, ở xã Chinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Cà Mau) nổi tiếng trong giới “tay cùm áo sọc” không phải vì các vụ cướp liều mạng mà vì khi “nhập kho”, Xuân vẫn quậy tưng bừng với trên dưới 40 lần vi phạm kỷ luật trại giam, từng phải “chuyển chỗ ở” tới 5 lần.

Theo cán bộ Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang), trước khi về cải tạo tại đây, Xuân từng “kinh qua” các trại giam như Cái Tàu (Cà Mau), Xuân Lộc (Đồng Nai), Xuân Phước (Phú Yên), A2 (Khánh Hòa). Dù ở đâu, Xuân cũng đánh lộn, mang vật cấm, bẻ song sắt, la ó cổ vũ tù nhân trốn trại, tết quần áo thành dây leo, cho vay nặng lãi... và thậm chí là bỏ trốn.

Gã Việt kiều “rạch giời rơi xuống”

Gặp Xuân ở Quyết Tiến, chúng tôi đã bất ngờ bởi thanh niên bất hảo này có dáng người dong dỏng, khuôn mặt rất Tây xen lẫn chút phong trần. Trái với thái độ “thà tù rục xương chứ quyết không làm người lương thiện” trước đây, những ngày cuối năm 2011, Xuân đã thể hiện thái độ khá dè dặt khi tiếp xúc với phóng viên.

etgrgh
Phạm nhân Nguyễn Trung Xuân.

Ngắc ngứ với tiếng mẹ đẻ, Xuân kể vắn tắt tiểu sử cuộc đời cho chúng tôi nghe. Theo đó, năm 9 tuổi cậu bé này theo gia đình di cư sang Canada xây dựng kinh tế. Nơi đất khách, Xuân được bố mẹ chăm bẵm, cho ăn học với điều kiện sung túc. Thế nhưng, lợi dụng sự cưng chiều của gia đình, Xuân đã sớm sa đà vào những thói ăn chơi, trụy lạc của nhóm bạn người bản địa. Hệ quả là mới học đến lớp 9/12, Xuân đã đeo đuổi con đường... đi bụi, sống lang thang. Xen lẫn những năm tháng dặt dẹo ấy, cũng có đận Xuân về chung sống với cha mẹ theo nguyện vọng của họ, nhưng chưa đầy một tháng tu tỉnh, hắn lại bỏ nhà ra đi.

Xuân kể: “Ở nhà, em thấy chán ngắt nên không chịu nổi. Ở bên đó (tức Canada - PV), em buôn bán ma túy và sống lang thang”. Năm 2001, 21 tuổi đã có vợ một con trai thì Xuân bị trục xuất về Việt Nam vì trong một lần mâu thuẫn với băng đảng khác, hắn đã vung súng bắn gẫy đùi một tên.

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Về Việt Nam, với trợ cấp 500 USD mỗi tháng từ bố mẹ, Xuân tiếp tục ngập mình trong các trò ăn chơi, quậy phá. Trong chuỗi ngày ấy, Xuân có thêm một đứa con nhưng không lấy đó làm động lực để cải tà quy chính mà lại “ôm” 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

Sau khi được tự do, ngày 19/1/2002, Nguyễn Trung Xuân cùng bạn gái đến thăm hỏi nhà chị gái ruột của Xuân ở ấp Long Phú, xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Dù chỉ tính ghé chơi vài ngày tại địa phương này nhưng sẵn bản chất chơi bời trác táng, Xuân nhanh chóng tìm đến và đắm mình trong những tụ điểm cờ bạc. Chỉ sau vài ngày, hắn đã kịp cặp kè và kết thân với Lữ Văn Hiếu (năm đó 27 tuổi) - một đối tượng bất hảo ở địa phương.

Vận xui của Xuân lên đỉnh điểm vào ngày 24/1/2002 - sau 5 ngày liên tiếp quay cuồng trong “vũ điệu cờ bạc”. Hôm đó, Xuân và Hiếu cháy túi do thua sạch các canh cá cược đá gà. Muốn có tiền để gỡ gạc, Hiếu rủ Xuân đi câu trộm cua của người dân trong xã An Phúc nhưng Xuân đã dè bỉu gạt phắt: “Ăn trộm như thế thì vặt vãnh quá”. Thay vào đó, Xuân rủ Hiếu đột nhập vào nhà dân để cướp tài sản vì “đằng nào cũng là phạm pháp, nên đi cướp vừa nhanh gọn hơn, vừa đỡ tốn sức mà lại dễ trúng bộn tiền”.

Sau đó, cặp bài trùng này cùng nhau thảo luận, quyết định chọn chị Mai Thị Hiền - một người dân trong ấp Long Phú - làm “con mồi” vì chị này thường xuyên ở nhà một mình.

19h cùng ngày, Xuân và Hiếu đến cách nhà chị Hiền khoảng 20m thì dừng lại để bịt mặt và kiểm tra hung khí là con dao Thái Lan lần cuối. Một lần nữa, Xuân phân công cho Hiếu dùng bao ni lông trùm đầu chị Hiền, còn hắn sẽ lợi dụng lúc đó vào cướp nữ trang của nạn nhân.

Sau đó, hai tên cướp cạy cửa vào nhà chị Hiền, cùng nhau nằm xấp dưới gầm giường đợi thời cơ thích hợp. Tuy nhiên, một phút sơ ý của chúng đã đánh động làm chị Hiền thức giấc. Vốn tính cảnh giác, người phụ nữ này dùng đèn pin soi xét khắp xó xỉnh trong nhà. Phát hiện Xuân và Hiếu đang lù lù nằm rụp dưới gầm giường, chị Hiền thốt lên: “Ối giời ơi!” rồi la lớn: “Cướp, cướp!”.

Sợ mất mật, Hiếu chui ra rồi chạy biến vào màn đêm. Riêng Xuân, hắn cười khẩy rồi lao tới vật ngã chị Hiền, dùng dao khống chế nạn nhân để cướp đi một dây chuyền và lắc tay bằng vàng trị giá 5 chỉ vàng đem về khoe với Hiếu.

Vì 5 chỉ vàng này, sau đó Xuân phải “trả nợ” bằng 9 năm tù giam do TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt về tội “Cướp tài sản”.

Bất hảo hoàn bất hảo

Trong thời gian thụ án, Xuân liên tiếp bị chuyển trại giam vì các trò quậy phá, vi phạm kỷ luật. Thậm chí, phạm nhân này còn trốn trại giam nên bị phạt thêm 3 năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”. Bản án được TAND tỉnh Cà Mau tuyên ngày 27/7/2006.

Cụ thể: Khoảng 18h ngày 31/3/2005, tại Trại giam K1 Cái Tàu (Cà Mau), sau khi hết giờ cải tạo lao động, Xuân đang đi về buồng giam thì phát hiện có cây kèo trên mái nhà bị hở đinh. Trong phút chốc, hắn nảy ý định trốn trại nên rủ 3 bạn tù cùng tham gia.

23h cùng ngày, khi cả khu vừa tắt phụt điện, Xuân đã leo lên mái nhà bẻ gẫy cây kèo và lựa người luồn trốn ra ngoài trước, đồng bọn của Xuân lần lượt theo sau.

Nơi trú ẩn của Xuân là nhà người thân ở TP.Hồ Chí Minh. Chỉ trong 3 ngày, Xuân tiếp tục bắt mối với một tay “cò” làm giả chứng minh thư, giấy tạm trú mang tên Trần Văn Cầu. Sau đó, Xuân sử dụng giấy tờ giả này vượt biên qua cửa khẩu Xà Xía, tỉnh Kiên Giang và sang Campuchia lẩn trốn. Tuy vậy, ngày 26/4/2005, Xuân vẫn bị bắt theo lệnh truy nã.
    
Khao khát tự do nhưng không dám chắc... sẽ là người lương thiện!

Tưởng một kẻ “rạch giời rơi xuống” như Nguyễn Trung Xuân sẽ không bao giờ hối cải và tương lai của hắn sẽ ngày qua ngày nối dài sau... song sắt. Thế nhưng thật bất ngờ vì sau một năm cải tạo tại Trại giam Quyết Tiến, Xuân đã bước đầu tu tỉnh và được nhận xét là có nhiều biến chuyển tích cực về tư tưởng và thành tích cải tạo.

Giờ đây, sau chuỗi ngày dài ngồi trong khám, nhớ lại thời tuổi trẻ bồng bột, Xuân chỉ trách bản thân bằng một câu ngắn gọn: “Tại hồi đó em ham vui và nhận thức còn kém nên đã đánh mất cuộc đời”.
“Em đã nhận ra rằng những lần vi phạm chỉ kéo dài những ngày ở trại. Hiện nay, tư tưởng và tâm tính của em cũng đã thay đổi nhiều. Em chỉ mong sớm được trở lại cuộc sống để làm người lương thiện” - Xuân mơ màng nói.

Sau đó, Xuân nở nụ cười tươi rói, tự hào khoe với phóng viên về “sự tiến bộ” của mình: “Giờ em đã tốt hơn rất nhiều, ở đây mới chỉ một lần vi phạm thôi...”.

Trải lòng về những lần “quậy tưng bừng” trong các trại giam, Xuân bảo: “Hồi mới vào trại, em không có kinh nghiệm ứng xử khi va chạm với “anh chị” nên thường bị lừa tiền bạc, rồi thường xuyên bị gây khó dễ. Thế nên khi có chút “vốn liếng” kinh nghiệm, em đã chủ động dằn mặt những người khác để có chỗ đứng. Mặt khác, tính em vẫn nóng và dễ bị kích động nên khó kiềm chế được bản thân”.

Theo lời Xuân tường trình, khi nghe tin bị chuyển trại ra miền Bắc thì hắn mới lần đầu tiên sực tỉnh vì chán chường, lo sợ. Nhưng hóa ra, môi trường tại Trại giam Quyết Tiến đã giúp Xuân lần đầu tiên có quyết tâm... cải tạo.

Trong tâm sự, Xuân mong ước sẽ sớm được mãn hạn tù để về với gia đình vì “em đã có hai mặt con nhưng những ngày đằng đẵng ở trại, bây giờ em cũng không còn nhớ mặt mũi chúng thế nào nữa”. Xuân bảo rằng nếu được tự do, anh ta sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của người cha.

Nhưng thực ra quyết tâm phục thiện của Xuân vẫn chưa khiến người ta tin tưởng bởi ngay sau khi nói ra “lời hay ý đẹp” ấy, phạm nhân này đã không ngại ngần ra điều kiện: “Em nghe ba má nói khi em mãn hạn tù họ sẽ về Việt Nam chung sống với em. Nếu họ không thực hiện lời hứa thì với bản tính này, em e rằng mình khó lòng dám khẳng định rằng em sẽ không tái phạm pháp nữa”.

Lê Tiến Phong

 

Đọc thêm