Trước Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand và Thủ tướng Edouard Philippe đã đến thăm Điện Biên Phủ vào năm 1993 và 2018.
70 năm trước, trên chiến trường Điện Biên, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã giành chiến thắng quân sự, buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7/5/1954. Thực dân Pháp đã không còn khả năng để tiếp tục chiến đấu tại Việt Nam sau thảm bại này, buộc đối phương phải hòa đàm và rút quân.
Chiến thắng của QĐND Việt Nam mang tầm quốc tế, đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội một nước từng là thuộc địa ở châu Á đã đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu. Chiến thắng này là niềm cảm hứng, là sự cổ vũ mạnh mẽ cho nhiều thuộc địa của Pháp trên khắp thế giới cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Nói cách khác, Chiến thắng Điện Biên Phủ một cột mốc đánh dấu thất bại của đế quốc thực dân, qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Quá khứ chói lọi hào hùng nên tất cả không bao giờ và không được phép quên, nhưng có những điều phải gác lại. Vì vậy hôm qua (6/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp, đã khẳng định nỗ lực của hai bên cùng nhau “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai”, cho thấy Việt Nam là một hình mẫu về hàn gắn, khôi phục sau chiến tranh, biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại.
Gác lại quá khứ nhưng không quên quá khứ, Thủ tướng đề nghị Pháp tăng cường hợp tác để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, nhất là trong chia sẻ các tài liệu lưu trữ về di tích này.
Về phía bạn, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp nhấn mạnh Pháp coi trọng quan hệ với Việt Nam; đánh giá rất cao sự độc lập, tự chủ mạnh mẽ của Việt Nam; khẳng định ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Điện Biên Phủ lần đầu tiên của một Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp; nêu bật tầm quan trọng của hợp tác chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước; cảm ơn Việt Nam đã tích cực hợp tác, hỗ trợ hồi hương hài cốt binh lính Pháp trong chiến tranh tại Việt Nam; khẳng định hai bên hoàn toàn có thể đạt được tương lai hợp tác tốt đẹp hơn nữa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và luật pháp quốc tế.
Trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước; sự kiện những vị khách đặc biệt hân hoan đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, càng cho thấy quan điểm bất biến của Việt Nam là yêu hòa bình, trân trọng sự quý giá của hòa bình, hợp tác, phát triển.
Như trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” 70 năm trước nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Tổ quốc chúng tôi/Muốn độc lập, hoà bình trở lại/Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái/Nước chúng tôi và nước các anh/Nếu còn say máu chiến tranh/Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/Tre đã thành chông, sông là sông lửa”; để cho ngày hôm nay: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.