Hà Nội nỗ lực xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện và hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Trường học phải là nơi người học được bảo đảm an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục, chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Ởđó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm...

Khốc liệt tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, hơn 5.500 học sinh thi để giành 270 suất vào lớp 6 Trường Nguyễn Tất Thành năm 2024. (Ảnh: PV)
Khốc liệt tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, hơn 5.500 học sinh thi để giành 270 suất vào lớp 6 Trường Nguyễn Tất Thành năm 2024. (Ảnh: PV)

Nhiều áp lực về gia tăng dân số tuyển sinh

Hà Nội vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024). Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh (HS).

Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, có mạng lưới trường, lớp đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang, hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng.

Nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục Hà Nội, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, Hiệu trưởng Trường Wellspring Hà Nội cho rằng, hệ thống giáo dục Hà Nội đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, song cũng vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Đó là áp lực học tập lớn đang trở thành vấn đề nổi cộm. HS ở Hà Nội, đặc biệt là tại các trường THPT và các trường chất lượng cao, đang phải chịu áp lực lớn từ hệ thống thi cử. Cạnh tranh học tập khốc liệt khiến nhiều học sinh phải đối mặt với căng thẳng tâm lý, thậm chí là tình trạng kiệt sức. HS không chỉ phải đạt kết quả học tập cao mà còn phải tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, từ đó tạo ra gánh nặng lớn cho cả HS lẫn phụ huynh. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực trung tâm và ngoại ô vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

Nhìn nhận về những thách thức và cơ hội của giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Một trong những thách thức lớn là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng và biến đổi không ngừng.

Ngoài ra, giáo dục Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: HS tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực; khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn; việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới... còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sự tôn nghiêm của nhà giáo được xem trọng

Để phát triển hệ thống giáo dục trong bối cảnh hội nhập, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn cho rằng, muốn xây dựng hệ thống giáo dục hạnh phúc và toàn diện, Hà Nội có thể học hỏi từ mô hình giáo dục hạnh phúc của Phần Lan và Bhutan, nơi HS không chỉ học kiến thức mà còn phát triển tinh thần và cảm xúc. Việc xây dựng một môi trường học tập an toàn, hạnh phúc và khuyến khích HS tìm hiểu, khám phá sẽ giúp họ phát triển toàn diện hơn.

Một hệ thống giáo dục hướng đến hạnh phúc không chỉ tạo ra những công dân có trách nhiệm mà còn khơi dậy khả năng sáng tạo và sự đồng cảm, hai yếu tố cốt lõi của một xã hội tiến bộ. Theo thầy Sơn, việc quá chú trọng vào thành tích và kiểm tra đã vô tình tạo ra một môi trường áp lực đối với HS.

Đồng thời, việc nâng cao vai trò của giáo viên là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn dắt, truyền cảm hứng và hỗ trợ sự phát triển cá nhân của HS. Do đó, một chiến lược đào tạo toàn diện, liên tục và hỗ trợ về mặt tinh thần và chuyên môn cho giáo viên sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thành công các cải cách giáo dục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục hiện nay lấy phát triển con người là trọng tâm, mục tiêu.Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng.

Bộ trưởng đồng thời nêu những yêu cầu cụ thể để hướng tới nền giáo dục thanh lịch: “Ở đó, trường học phải là nơi người học được bảo đảm an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục, chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm. Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa”.

Đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để HS ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất; cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh, ... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn. Ở đó chất lượng giáo dục được bảo đảm, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu...

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới các thầy cô lời cảm ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về các thầy, các cô và mong các cô, các thầy luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và luôn hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.

Đọc thêm