Trước đó, ông Jammeh đã đệ đơn xin lệnh Tòa án Tối cao cấm ông Barrow tuyên thệ nhậm chức, đồng thời hối thúc người dân hãy đợi quyết định của Tòa trước khi ông cân nhắc từ bỏ quyền lực sau hơn 22 năm nắm quyền. Tuy nhiên, Chánh án Fagbenle đã từ chối xem xét thêm vụ kiện mới nào trước khi các thẩm phán nước ngoài được phép đến Gambia. Hiện Gambia thiếu các thẩm phán chuyên nghiệp nên phụ thuộc vào các thẩm phán nước ngoài, chủ yếu đến từ Nigeria - những người sẽ cấu thành Tòa án Tối cao.
Đối chọi người cũ- người mới
Theo kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống tháng 12/2016, thủ lĩnh của liên minh các đảng phái chính trị đối lập Barrow, 51 tuổi, đã giành chiến thắng với số phiếu 43,3%, trong khi ông Jammeh chỉ nhận được 39,64% phiếu ủng hộ. Ban đầu, Tổng thống mãn nhiệm chấp nhận kết quả bầu cử nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm, cáo buộc có những sai phạm trong quá trình kiểm phiếu của Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC).
Tổng thống mãn nhiệm Yahya Jammeh |
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nỗ lực làm trung gian cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Gambia, kêu gọi Tổng thống mãn nhiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Ngoài ECOWAS, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong đó có Liên Hợp quốc đã gây sức ép đòi ông Jammeh phải chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Adama Barrow. Hội đồng Hòa bình và An ninh Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố AU sẽ không còn công nhận ông Jammeh là tổng thống hợp pháp của Gambia kể từ ngày 19/1 tới, thời điểm theo quy định ông Jammeh sẽ chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử. Hội đồng trên cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp hành động của ông Jammeh có thể gây ra khủng hoảng dẫn đến bất ổn chính trị và thảm họa nhân đạo.
Đệ đơn ra Tòa
Tuy nhiên, ông Jammeh cho rằng giải pháp hòa bình duy nhất cho bế tắc hiện nay là thông qua Tòa án.
Tổng thống Gambia cho biết ông đã đệ đơn xin lệnh Tòa án nhằm cấm Tổng thống đắc cử Adama Barrow tuyên thệ nhậm chức vào ngày 19/1 tới, đồng thời hối thúc người dân hãy đợi quyết định của Tòa án Tối cao trước khi ông cân nhắc từ bỏ quyền lực sau hơn 22 năm nắm quyền. Trong một tuyên bố, Tổng thống Jammeh xác nhận đã nộp đơn xin lệnh Tòa án nhằm ngăn ông Barrow tuyên thệ nhậm chức cho đến khi nhận được quyết định của Tòa án Tối cao Gambia. Nhà lãnh đạo Gambia này cũng đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và kêu gọi ECOWAS hỗ trợ thẩm phán của Tòa án Tối cao Gambia. Thời gian qua ECOWAS đã nỗ lực làm trung gian cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Gambia. Về phần mình, bà Sirleaf nhấn mạnh cả Gambia và ECOWAS đều mong muốn hòa bình, đồng thời khuyên ông Jammeh nên xác nhận mong muốn hòa bình và hãy tuân theo hiến pháp.
Tổng thống Jammeh lên nắm quyền ở Gambia sau cuộc đảo chính quân sự năm 1994 và liên tiếp tái đắc cử Tổng thống vào các năm 2001, 2006 và 2011. Trước cuộc bầu cử tổng thống lần này, ông đã yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, theo đó bãi bỏ quy định hạn chế số nhiệm kỳ tổng thống.
Nhậm chức đúng kế hoạch
Tổng thống đắc cử Adama Barrow |
Tổng thống đắc cử Barrow đang ở nước láng giềng Senegal và sẽ lưu lại đó cho đến khi diễn ra lễ nhậm chức. Còn người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Gambia Adama Barrow, ông Mai Fatty cho biết lễ nhậm chức của ông Barrow sẽ vẫn diễn ra vào ngày 19/1 tới theo đúng như kế hoạch đề ra.
Ông Fatty, người tháp tùng ông Barrow đến thủ đô Dakar của Senegal, cho biết nhiệm kỳ của Tổng thống Yahya Jammeh sẽ kết thúc vào ngày 19/1, cũng là thời điểm Tổng thống đắc cử Adama Barrow bắt đầu nhiệm kỳ. Ông khẳng định rằng không gì có thể thay đổi điều này và ông Barrow sẽ tuyên thệ nhậm chức và lên nắm quyền. Trước đó cùng ngày, ông Barrow đã đến Senegal theo như yêu cầu của các nhà lãnh đạo Tây Phi. Ông sẽ lưu lại đó cho đến khi diễn ra lễ nhậm chức dự kiến vào ngày 19/1 tới.
Bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Pháp - Châu Phi, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta cho biết lãnh đạo các nước châu Phi đã gặp Tổng thống đắc cử của Gambia Adama Barrow và đó là một sự thừa nhận dành cho ông Barrow, khách mời đặc biệt của hội nghị lần này. Ông Keïta nhấn mạnh, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Gambia Jammeh hiểu được lợi ích tối cao của đất nước mình đó là không cần tắm máu, sau khi các nước thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa can thiệp quân sự vào Gambia trong trường hợp ông Jammeh không chịu nhường lại quyền lực.
Gambia là một quốc gia tại Tây Phi, được vây quanh bởi Sénégal với một đường bờ biển ngắn giáp với Đại Tây Dương ở cực Tây. Đây là nước nhỏ nhất trên châu Phi lục địa. Lãnh thổ Gambia trải rộng ra trên phần đất hai bên sông Gambia, một con sông chảy từ cực đông Gambia và đổ vào Đại Tây Dương. Diện tích Gambia là 10.689 kilômét vuông với dân số 1.882.450 (theo thống kê 2013). Banjul là thủ đô, còn hai thành phố lớn nhất là Serekunda và Brikama.
Ngày 18/2/1965, Gambia giành được độc lập từ Vương quốc Liên hiệp Anh. Từ đó, Gambia chỉ có hai lãnh đạo: Dawda Jawara (1970 đến 1994), và Yahya Jammeh, người đã giành được quyền lực trong một cuộc đảo chính khi còn là một nhân viên quân đội trẻ. Kinh tế Gambia chủ yếu là trồng trọt, đánh bắt thủy sản và đặc biệt là du lịch; khoảng một phần ba dân số sống dưới ngưỡng nghèo quốc tế 1,25 đô la Mỹ một ngày...