Theo AFP, kỳ thi kéo dài 2 ngày này được gọi bằng tiếng Trung là “gaokao” hay “cao khẩu”. Đây là cuộc thi hàng năm mà các học sinh và phụ huynh mơ ước con mình đỗ được vào một trường đại học đều cực kỳ lo lắng.
Kỳ thi năm nay đã bị hoãn lại 1 tháng do dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh đã tạo thêm một áp lực mới với họ do các trường phải đóng cửa trong nhiều tháng. Tại một trung tâm thi ở Bắc Kinh, các học sinh đã chụp ảnh tự sướng và ôm nhau cùng những cái đánh tay với gia đình và bạn bè trước khi đi thi.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy áp lực cực kỳ cao của kỳ thi, một số người thậm chí còn đứng bên ngoài địa điểm thi để tranh thủ lướt qua các tài liệu học tập trước kỳ thi kéo dài 11 tiếng đồng hồ.
“Tôi thực sự còn lo lắng hơn con trai mình”, một phụ huynh họ Yi, 49 tuổi, cho biết. Theo người này, đại dịch đã ảnh hưởng đến con trai bà. “Thằng bé đã không đến trường trong 7 tháng kể từ khi trường đóng cửa vào tháng 1. Nó còn quá trẻ để nhanh chóng thích nghi với những thay đổi lớn trong xã hội của chúng ta”, người mẹ nói.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hơn 7.000 địa điểm thi đã được thiết lập trên khắp nước này, với gần 1 triệu thanh tra hoặc các thành viên trong các lực lượng khác nhau tham gia giám sát kỳ thi. Các quan chức sẽ không chỉ tìm kiếm những trường hợp gian lận mà còn có nhiệm vụ theo dõi nếu học sinh bị sốt hoặc ho.
Theo Tân Hoa xã, những người có triệu chứng nhiễm bệnh sẽ được đưa đến phòng cách ly có chất khử trùng. Các học sinh và người giám hộ đã phải theo dõi sức khỏe của họ trong suốt 14 ngày trước kỳ thi. Học sinh từ các khu vực có nguy cơ cao phải đeo khẩu trang trong quá trình thi.
Zhao Kexin - người đang tham gia kỳ thi ở Bắc Kinh - đã phải báo cáo thân nhiệt của mình đến trường học trong mỗi ngày trước kỳ thi. “Dù có đủ các biện pháp để bảo vệ chúng tôi khỏi nhiễm virus nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi lo lắng về việc tụ tập ở khu vực công cộng, nhưng tôi phải làm xét nghiệm”, nữ sinh cho hay.
Kỳ thi đầu vào đại học được đánh giá là một trong những thử thách lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người ở Trung Quốc. Bởi, đây được xem là bậc thang đầu tiên mà họ phải bước được lên trong hành trình hướng tới thành công trong cuộc sống. Nếu được điểm cao trong kỳ thi này, họ có thể được nhận vào một trường đại học danh tiếng nào đó, đồng nghĩa với việc họ có cơ hội lớn tìm được công việc tốt sau khi ra trường.
Ngược lại, họ thậm chí sẽ chỉ có thể kiếm được những công việc lao động chân tay vất vả với mức thu nhập thấp. Trong khi đó, mỗi người Trung Quốc khi trưởng thành không chỉ phải lo cho bản thân mà nhiều người còn gánh trên vai trách nhiệm phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hay cả ông bà.
Những tâm lý như vậy đã gây áp lực nặng nề cho các học sinh trẻ tuổi. “Sự căng thẳng không chỉ đến từ nỗi sợ hãi không thể hiện tốt trong kỳ thi của các học sinh mà còn đến từ gia đình và xã hội. Câu chuyện cho rằng gaokao là chiến trường đôi khi quyết định đến cuộc sống khiến học sinh lo lắng”, Ye Minjie - thành viên một ủy ban của Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc – cho hay.
Theo vị này, tình hình năm nay có chút khác biệt. “Đại dịch đã làm gia tăng áp lực mà các học sinh phải chịu vì hàng triệu người đã không thể ra khỏi nhà trong một thời gian rất dài trước khi trở lại học tập bình thường”, Ye cho hay.