Đối tượng được tiêm ưu tiên của Chương trình là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, có ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca.
Các thông điệp tư vấn và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm của loại vaccine mới này được các cán bộ y tế truyền tải cho từng người đi tiêm chủng. Vì vậy, các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm được người đi tiêm thông báo ngay cho các cơ sở y tế để kịp thời xử lý theo đúng quy định, giúp những trường hợp có phản vệ độ 2 và 3 sớm ổn định sức khỏe.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng cho biết, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine, cân nhắc lợi ích vaccine và nguy cơ dịch bệnh.
Đến nay cũng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu. Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vaccine như kế hoạch. Từ nay đến tháng 4, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chương trình COVAX Facility và từ nguồn đặt mua, sẽ triển khai tiêm tiếp cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng qua (16/3), 1.000 nhiều vaccine Sputnik V đầu tiên (là quà tặng của Liên bang Nga) đã được đưa về Việt Nam qua sân bay Nội Bài. Ngay sau đó vaccine được chuyển vào kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để bảo quản.
Cuối giờ sáng 16/3, 6 tình nguyện viên gồm 3 nam, 3 nữ tiêm vaccine Covivac “make in Vietnam” (do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế nghiên cứu, sản xuất) vào ngày 15/3 đã trở về nhà. Đại diện Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Đại học Y Hà Nội cho biết, không ai có phản ứng “đặc biệt” sau tiêm thử nghiệm. Một số rất ít trường hợp chỉ có phản ứng nhẹ trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau tiêm như đau đầu.
Sau khi trở về nhà, các tình nguyện viên sẽ tự theo dõi sức khỏe và ghi chép vào sổ theo dõi sức khỏe đến ngày 22/3 thì quay lại để khám, thu nhập thông tin về an toàn và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Với 114 người còn lại (tiêm thử nghiệm giai đoạn 1), nhóm nghiên cứu cho hay do yêu cầu giãn cách đảm bảo phòng dịch Covid-19, mỗi buổi tiêm sẽ chỉ thực hiện dưới 15 người. Dự kiến, sang tuần sau, nhóm 15 người đầu tiên (sau 6 người vừa tiêm ngày 15/3) sẽ tiêm mũi 1.
Liên quan đến vấn đề mua bảo hiểm cho người tham gia nghiên cứu, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết, IVAC đến nay đã mua bảo hiểm cho tất cả đối tượng nghiên cứu, Bộ Y tế đã nhận được hồ sơ IVAC trình.
Công ty ký hợp đồng trách nhiệm tổng tiền tối đa mua bảo hiểm cho cả đợt nghiên cứu khoảng 40 tỷ đồng. Theo ông Quang, đây là quy định không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đảm bảo vấn đề về pháp lý và đạo đức.
Là đơn vị đầu tiên trong quân đội thực hiện đợt tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, hôm qua (16/3), Bệnh viện (BV) Quân y 175 TP HCM (Bộ Quốc phòng) đã tiêm cho các đối tượng ưu tiên.
Trong đó có cán bộ, nhân viên BV Dã chiến cấp 2 số 3 chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan, lực lượng làm nhiệm vụ tại biển, đảo, sĩ quan cấp cao, cán bộ quân đội đi công tác nước ngoài (khu vực phía Nam), cán bộ, nhân viên một số khoa có nguy cơ cao của BV (Khoa Xét nghiệm, truyền nhiễm, khám bệnh, hồi sức cấp cứu, lực lượng tham gia đội phản ứng nhanh…), lực lượng Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới…
Sau mũi vaccine đầu tiên được tiêm, BV Quân y 175 sẽ gửi những liều vaccine sang Nam Sudan để các chiến sĩ tiếp tục được tiêm mũi 2 ngay tại BV Dã chiến.