Đến hơn 20h tối cùng ngày, tỉnh Quảng Trị đã có số liệu tổng hợp về thiệt hại do bão số 10 gây ra tại địa bàn.
Tuy chỉ ở rìa của cơn bão, nhưng do mưa to, gió giật mạnh nên tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng.
Cổng trưỡng cũng gãy đổ |
Theo báo cáo, dù không có thiệt hại về người (chỉ có 4 trường hợp bị thương do chằng chống nhà cửa và cây đổ trúng), thế nhưng thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn. Thống kê, hiện có hơn 1.000 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó huyện Gio Linh có 140 nhà, huyện Đakrông có 126 nhà, huyện Triệu Phong có hơn 100 nhà…); hàng chục nhà bị sập hoàn toàn; 1 trường mầm non tại xã Tà Rụt (huyện Đakrông) bị tốc mái; 1 nhà văn hóa của huyện đảo Cồn Cỏ bị tốc mái và sập trần; và gần 2.000 ha cao su bị gãy đổ cùng hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, mất trắng…
Một ngôi nhà hư hỏng nặng sau bão |
Trong đó, huyện Vĩnh Linh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất nên trong chiều 15/9, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thiệt hại, động viên nhân dân khắc phục, ổn định cuộc sống.
Dọn dẹp đống đổ nát |
Toàn huyện có hàng trăm ngôi nhà và quán sá bị tốc mái, khoảng 600 ha cao su bị ngã đổ với tỉ lệ từ 30 đến 70%, hơn 100 ha hồ tiêu bị xiêu gãy... Riêng xã Vĩnh Thạch có 65 ngôi nhà bị tốc mái, 40 ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn, hàng chục ha hồ tiêu bị xiêu đổ khó phục hồi.
Nhiều ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn |
Mưa to đến rất to nên nước trên các sông dâng cao gây ngập một số tuyến đường ở miền núi như tuyến đường vào xã A Vao (huyện Đakrông) bị ngập trên 3m, tuyến đường 558A nước vượt cầu tràn Ba Lòng (huyện Đakrông) khoảng 2m, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (huyện Đakrông) bị ngập, chia cắt nhiều điểm, nước vượt ngưỡng tràn 2,5m …
Một số xã tại huyện Đakrông đã bị cô lập như Ba Lòng, Hải Phúc, Ba Nang, A Vao. Đặc biệt tại xã Ba Lòng, nước vẫn dâng ở mức 1- 1,5m. Gần 200 em học sinh bán trú tại 3 trường học ở huyện này đã phải ở lại trường để tránh bão.
Nhiều cây cối bị gãy đổ |
Để ngăn chặn tình trạng vớt củi, gỗ trên sông Đakrông đoạn qua thị trấn Krông Klang, vào chiều 14/9 lãnh đạo Thị trấn đã trực tiếp làm việc với các hộ dân sống ven sông Đakrông và yêu cầu kí cam kết không tham gia vớt củi, gỗ trên sông Đakrông, đồng thời tổ chức các đội tuần tra dọc bờ sông nên tình trạng trên không còn tái diễn. Tổ chức canh gác tại các điểm ngầm bị ngập, tuyên truyền vận động nhân dân không bắt cá, vớt củi trên sông.
Một ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn |
Ở tuyến vùng Lìa (7 xã của huyện Hướng Hóa) giao thông bị chia cắt, nước ở các cầu tràn chảy xiết, rất nguy hiểm.
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, thiệt hại do bão số 10 gây thiệt hại rất lớn đối với tỉnh nhà. Trước mắt, đối với nhà bị tốc mái, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 đến 3 triệu/hộ. Còn đối với vườn cao su, tỉnh sẽ xem xét nếu phục hồi được thì phục hồi, bằng không sẽ cho trồng mới.
Hiện công tác khắc phục hậu quả sau bão tại Quảng Trị vẫn đang được chính quyền và người dân triển khai khẩn trương.