Phát biểu trong phiên thảo luận hội trường ngày 8/11 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nhận định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp về thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; ban hành và triển khai Nghị quyết hằng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn; chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ với doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 vẫn ở mức gần 45%.
Từ thực tế đó, thời gian tới cũng như năm 2022, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số việc sau để cắt giảm hiệu quả chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; xác định việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, và nhất là trong tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, việc đặt ra điều kiện kinh doanh chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh, đồng thời tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, vì vậy phải hết sức thận trọng, chặt chẽ.
Cần thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các điều kiện kinh doanh để có giải pháp sửa đổi kịp thời, sát thực tiễn. Cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện kinh doanh, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc bộ, ngành, địa phương ban hành trái thẩm quyền các điều kiện kinh doanh dưới dạng quy chuẩn kỹ thuật.
Thứ ba, cần tập trung cải cách thủ tục trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, lao động; giảm thiểu thanh, kiểm tra cả về số cuộc, số lần và thời gian thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không thanh, kiểm tra trùng lặp;
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật (gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử về văn bản quy phạm pháp luật và Bộ Pháp điển điện tử). Nên tập trung nguồn lực để xây dựng một Cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về văn bản qui phạm pháp luật.
Cuối cùng, cần nghiên cứu, có giải pháp gắn kết đồng bộ, hiệu quả các hoạt động liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, bảo đảm tập trung nguồn lực hợp lý nhất cho việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.