Tổng cục Hải quan vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020. Đây là kết quả khảo sát do Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Dự án Tạo thuận lợi thương mại thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện.
Kết quả khảo sát được công bố cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng đối với các phương thức tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) hải quan đạt 78,3% về thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan Hải quan địa phương giành được sự hài lòng của 73,1% doanh nghiệp. Tỷ lệ tương tự đạt 71,2% đối với thông tin trên Cổng thông tin thương mại quốc gia.
Quang cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát bằng phương thức giám sát truyền thống đạt 17,1% và xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) đạt cao hơn – được 27,8%...
Cũng theo Báo cáo, mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi tuân thủ các TTHC hải quan tương đối khác biệt. Hai thủ tục “khai hải quan (nhóm thủ tục thông quan)” và “nộp thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)” được nhiều doanh nghiệp đánh giá là thuận lợi hơn khi tuân thủ. Trong khi đó, “kiểm tra hồ sơ (nhóm thủ tục thông quan)”, “hoàn thuế/không thu thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)” và “kiểm tra thực tế hàng hóa (nhóm thủ tục thông quan)” lần lượt là ba nhóm thủ tục doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất. Tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thường xuyên thay đổi gây nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục thông quan.
Cụ thể, 24,2% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục kiểm tra hồ sơ và 10,3% doanh nghiệp thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa cho biết gặp tình trạng này. Vấn đề này được phản ánh nhiều hơn bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics hoặc đại lý hải quan…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, công tác cải cách hiện đại hóa luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Tổng cục Hải quan. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và BTC, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách trong toàn ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan.
Từ kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp năm 2018, Tổng cục Hải quan đã nhận diện các vấn đề cần phải tiếp tục nỗ lực cải cách như: Đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; Đầu tư các máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại; Chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; Tăng cường đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan khác liên quan.
Để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu. Thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ một số nội dung cải cách lớn.
Đó là cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các hiệp định tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA…); tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tập trung nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu).
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành; tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cải cách, phát triển hiện đại hóa thành công.