Phát biểu tại VEPF 2016, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, ông Bùi Quang Tiên đã ghi nhận nỗ lực của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng trong thực hiện Thỏa thuận hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - NHNN được ký két tại VEPF 2015.
Ông Tiên cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính và ngành Thuế tiếp tục chỉ đạo triển khai mở rộng dịch vụ NTĐT nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của cơ quan Thuế và nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ cho người nộp thuế.
Đối với các DN, Tổng cục Thuế đã đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ khai và NTĐT cho trên 561 nghìn DN trên cả nước, trong đó có trên 542 nghìn DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ NTĐT với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ trên 96,72% số DN đang hoạt động (số liệu tính đến hết tháng 10/2016).
Số DN đăng ký dịch vụ với ngân hàng là trên 525 nghìn DN, chiếm tỷ lệ gần 93,64% trên tổng số DN đang hoạt động. Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/10/2016, tổng số tiền các DN đã thực hiện nộp điện tử vào ngân sách qua cổng thanh toán thuế điện tử của Tổng cục Thuế là trên 370.600 tỷ đồng, chiếm 53,46% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, không chỉ đối với DN, từ 1/1/2016, Tổng cục Thuế đã thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Hộ kinh doanh được quản lý theo phương thức điện tử và NTĐT qua đơn vị uỷ nhiệm thu thuế như nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử Bankplus của Ngân hàng Quân đội (MB), nộp qua thẻ, nộp qua Internet Banking…
Ông Trí cũng chia sẻ thêm, từ 1/7/2016, Tổng cục Thuế sẽ triển khai thí điểm khai và NTĐT cho cá nhân khai lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, cho thuê nhà, nộp các khoản thu liên quan đến đất. Sau thời gian thí điểm này, từ 1/1/2017, ngành sẽ triển khai diện rộng toàn quốc của 3 lĩnh vực thí điểm và mở rộng cho các lĩnh vực khác: lệ phí trước bạ tài sản phải đăng ký khác, cho thuê tài sản, hộ kinh doanh qua mạng.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng sẽ triển khai dịch vụ hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử xác thực nhằm mang đến tiện ích cho người sử dụng, giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ hoá đơn; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh; rút ngắn thời gian thanh toán do việc lập, gửi/nhận hoá đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử; góp phần hiện đại hóa công tác quản trị DN và quản lý thuế.
“Ngành Thuế cam kết sẽ nâng cao trình độ năng lực và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có thể triển khai thành công việc khai và NTĐT đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể theo lộ trình đã hoạch định…”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định. Đại diện ngành thuế cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, DN và người dân sẽ ủng hộ và hợp tác với ngành Thuế để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian tới…