Gắn biển công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần

(PLVN) - Ngày 25/10 (nhằm ngày 11/9 Âm lịch), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với huyện Cô Tô tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 và gắn biển công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành.

Công trình Chùa Trúc Lâm đảo Trần được khởi công ngày 09/10, (tức 14/9 năm Nhâm Dần), tại thôn đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tâm linh, đời sống xã hội, an ninh quốc phòng, là cột mốc văn hóa, tâm linh vùng biển đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc. Công trình Chùa Trúc Lâm Đảo Trần đã hoàn thành xong giai đoạn 1 đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Dự án chùa Trúc Lâm đảo Trần là một cụm công trình văn hoá tín ngưỡng tâm linh được xây dựng trên Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô. Đảo có diện tích 4,655 km2, cách đảo Cô Tô lớn 45 km, là một hòn đảo có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và sự toàn vẹn của biên hải Quốc gia, được ví như Trường Sa vùng Đông Bắc.

Việc xây dựng công trình này trên đảo không chỉ đáp ứng khát vọng tâm linh của nhân dân mà còn mang ý nghĩa đặt một cột mốc văn hoá tâm linh nơi biên hải thiêng liêng của Tổ quốc như một thời Đông A hào khí.


Chùa Trúc Lâm đảo Trần là điểm tựa tinh thần, giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tôi mong rằng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, sẽ hoàn thiện các hạng mục công trình, trong quần thể kiến trúc ngôi chùa sớm nhất.

Để Chùa Trúc Lâm Đảo Trần sẽ là nơi hội tụ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nơi tu dưỡng vun đắp chân thiện mỹ, nghĩa cử cao đẹp, những hành động thiết thực trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia của nhân dân huyện đảo Cô Tô nói chung và nhân dân sinh sống trên Đảo Trần nói riêng”.

Theo thiết kế, công trình Chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây mới trong khuôn viên 2,72 ha với 22 hạng mục công trình chính và phụ trợ theo phong cách kiến trúc cổ thời Trần. Tất cả các hạng mục về chế tác gỗ, kết cấu gỗ, đá; đặt gạch, ngói, phụ liệu trang trí, nội thất, pháp khí… đều được các nghệ nhân, thợ lành nghề thực hiện trong đất liền, dựng thử hoàn chỉnh trước khi đóng kiện vận chuyển.

Thầy Thích Thanh Lịch - Trụ trì chùa Trúc Lâm đảo Trần, cho biết: “Vượt qua những khó khăn, cách trở về địa lý, công trình đã được thi công khẩn trương, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Chúng tôi tin rằng từng viên gạch, từng viên ngói in chìm Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tên chùa Trúc Lâm Đảo Trần là riêng có, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc giữa trùng khơi hùng vĩ”.

Chùa Trúc Lâm đảo Trần hoàn thành không chỉ là điểm tựa tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo, cũng như ngư dân các nơi có thể về lễ Phật cầu bình an…Ngôi chùa hiện hữu giữa biển cả mênh mông, vùng phên dậu Đông Bắc là biểu tượng cho sức mạnh, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, yêu thương: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Đặc biệt, mỗi viên gạch, viên ngói để xây dựng chùa Trúc Lâm Đảo Trần đều được khắc biểu tượng Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên hiệu và năm xây dựng Chùa. Đây là sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Lễ khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Từ nhiều thế kỉ trước, đức Phật Hoàng từ trên đỉnh Yên Tử đã đưa tầm mắt ra biển khơi để xác định chủ quyền quốc gia, và hòn đảo mang tên hào khí Đông A đã có mặt trên biển Đông. Ngày nay, chúng ta còn có thêm một ngôi chùa, hòn đảo có thêm sự bảo trợ của Phật, của Thánh, trên đảo Cô Tô có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh… phải chăng trên vùng biển giàu có, đẹp đẽ nhưng đầy sóng gió này, chúng ta có tất cả những yếu tố của truyền thống, của cách mạng, của công nghệ… để làm mảnh đất này trở nên an bình, phát triển và à nơi để thể hiện hoà khí của người Việt với các nước láng giềng. Chính vì thế, vị thế và ý nghĩa của ngôi chùa này là hết sức to lớn”.

Chùa Trúc Lâm đảo Trần sẽ là cột mốc văn hóa chủ quyền trấn giữ nơi hòn đảo tiền tiêu. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng một ngôi chùa thờ Phật thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đảo Cô Tô là xây dựng cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.