Gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện từng nhiệm vụ

(PLO) - Đây là yêu cầu của Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến tại Hội nghị sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra hôm qua (11/5).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Vũ Hồng Dương cho biết, Lãnh đạo Cục và các Chi cục THADS trực thuộc TP đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, chỉ đạo đơn vị và Chấp hành viên tập trung rà soát phân loại và tổ chức thi hành án ngay từ đầu năm công tác. Các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo quyết liệt đã đạt được kết quả khả quan hơn so với năm 2017. 

Trong bối cảnh tổng số thụ lý tăng về việc và tiền tăng, kết quả phân loại án có điều kiện cũng tăng nhưng kết quả THADS của toàn TP Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2018 còn thấp: về việc đạt tỷ lệ 54%, về tiền đạt tỷ lệ 9,2%. Số án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại khác như công tác tự kiểm tra nội bộ còn chưa đồng bộ, thiếu nền nếp, công tác xây dựng báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Một số đơn vị thiếu sự chủ động, để vụ việc kéo dài, không kịp thời báo cáo, tranh thủ sự phối hợp của liên ngành, của Ban chỉ đạo THADS.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ thi hành về việc thấp, Chi cục THADS quận Tây Hồ nhận định do chấp hành viên chưa tích cực, chủ động rà soát phân loại hồ sơ thi hành án nên chưa giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc. Chất lượng công tác phối hợp còn hạn chế, có nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại phức tạp, làm kéo dài thời gian thi hành án.

Tuy đã có những chỉ đạo quyết liệt nhưng số vụ việc kê biên trong án tín dụng, ngân hàng của Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn rất hạn chế (6/101 việc đã kê biên). Một số nguyên nhân chính được Lãnh đạo Chi cục đề cập là còn nhiều vướng mắc khi thi hành trên thực tế do thiếu sổ đỏ khi bán đấu giá tài sản, chưa có quyết định kê biên của cơ quan điều tra… Thời gian tới, Chi cục sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác phân công công việc, phân chia lượng án phù hợp với khả năng của từng Chấp hành viên; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có lượng tiền lớn; kịp thời nêu lên các khó khăn để cùng bàn bạc, thống nhất giải pháp xử lý; tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, duy trì nguyên tắc đi báo cáo về báo công.

Cùng nêu lên khó khăn khi bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản, Chi cục THADS huyện Thạch Thất cho biết còn 16 vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, 11 vụ việc bán từ 2 lần trở lên nhưng không có người mua; Chi cục THADS huyện Hoài Đức còn 21 việc đấu giá thành chưa giao được tài sản, 32 việc bán 3 lần nhưng chưa có người mua. Thậm chí, có tài sản giao bán gần 20 lần vẫn không có ai mua là thực tế xảy ra ở Chi cục THADS quận Ba Đình.

 Để khắc phục tình trạng trên, cần nâng cao hơn nữa chất lượng phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt trong công tác cưỡng chế huy động lực lượng; lãnh đạo Chi cục cần sát sao hơn nữa trong việc theo dõi, đôn đốc công việc của các Chấp hành viên, đồng thời đề xuất chế độ khen thưởng Chấp hành viên dựa trên số việc thi hành xong chứ không tính trên tỉ lệ để tạo động lực, khuyến khích tinh thần làm việc của công chức.

Trong 5 tháng cuối năm, Cục và các Chi cục THADS trên địa bàn TP Hà Nội cần tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ THADS, hành chính năm 2018. Theo đó, Cục trưởng Lê Quang Tiến yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS quận, huyện, thị xã và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục có biện pháp giao chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền hàng tháng cho Chấp hành viên thuộc đơn vị quản lý. Đồng thời, thực hiện thường xuyên việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu được giao đối với các đơn vị và Chấp hành viên, trong đó gắn chặt với trách  nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan.

Các Chấp hành viên phải thường xuyên rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, đăng tải đúng thông tin về người có điều kiện thi hành án trên các trang thông tin điện tử, lập kế hoạch tổ chức thi hành án từng hồ sơ vụ việc. Trong đó, tập trung vào các vụ việc có giá trị thi hành lớn, việc thi hành án có điều kiện thi hành, có khả năng kết thúc được hồ sơ, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước… kịp thời đề xuất Ban Chỉ đạo THADS chỉ đạo những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp, các vụ việc cần phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá. 

Các cơ quan THADS cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra kết hợp với việc tăng cường kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trên địa bàn. Ngoài ra, cần chú trọng tới công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị cho công chức THADS.

Đọc thêm