Gắn kết cơ sở đại học và doanh nghiệp: Khởi động cuộc cách mạng trong quản trị đại học

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phát phát triển đất nước. 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, các Trường đại học và Doanh nghiệp tham quan các gian trưng bày hàng công nghệ trong khuôn khổ Toạ đàm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, các Trường đại học và Doanh nghiệp tham quan các gian trưng bày hàng công nghệ trong khuôn khổ Toạ đàm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”. Nhiều vấn đề mới trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đã được đặt ra từ Toạ đàm này.

Sự nghiệp không thể tiếp tục “thong thả”

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phát phát triển đất nước. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nền kinh tế đang chuyển sang số hóa, với nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen, trong đó, ICT ngày càng có vai trò, tác động lớn. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường đã trở thành là nhu cầu tự thân. “Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn nhà trường như các bạn hàng. Hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, chịu áp lực nếu không hợp tác thì sẽ không tồn tại. Chỉ khi nào áp lực và động lực song hàng thì khi đó sẽ có sự gắn kết bền vững”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước nay, giữa nhà trường và doanh nghiệp đã có sự gắn kết, 2 bên đã ký kết nhiều văn bản gắn kết. Tuy nhiên, kết quả thực tế không cao. “Lần này, chúng ta sẽ phải làm khác, làm thiết thực hơn; nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai. Các bên cần đến với nhau để cùng phát triển, với áp lực không hợp tác sẽ phá sản, tiến tới xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với nhau để phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. Bộ trưởng Nhạ thông tin, Việt Nam hiện có 235 trường đại học, cao đẳng; trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin (CNTT), hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên, số lượng này so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp CNTT, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là từ nay đến 2020, Việt Nam phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó rất ưu tiên khởi nghiệp CNTT, là rất thiếu.

Nhiều chuyên gia phát biểu những ý kiến sâu sắc tại Toạ đàm
Nhiều chuyên gia phát biểu những ý kiến sâu sắc tại Toạ đàm

Các tính toán cho hay, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT và nhu cầu việc làm ở lĩnh vực này là rất lớn. Đến năm 2020, Việt Nam cần 100.000 cử nhân CNTT và điều quan trọng hơn là chất lượng của nguồn nhân lực này. Dẫn một khảo sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường, chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vấn đề đặt ra là các nhà trường phải đào tạo thế nào, doanh nghiệp thế nào, có nên chỉ là cho học bổng không? “Vấn đề ở đây phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, có tính đến thay đổi khoa học công nghệ. Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ. Chương trình đào tạo phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có thì sẽ khó thành công”, ông nhấn mạnh.

Gợi mở về vấn đề này, theo người đứng đầu ngành giáo dục, các nhà trường cần thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo theo hướng giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, “nhúng mình” vào các doanh nghiệp CNTT, như trường y với bệnh viên. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, CNTT rất đặc thù nhưng phải “đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành rô bốt trong khi sinh viên CNTT có thể biến rô bốt thành con người”. “Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học, quản trị theo mục tiêu”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.

Về phía trách nhiệm của các bộ, ngành, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Bộ, ngành sẽ có trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường; rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi chính sách trong thẩm quyền. Ví dụ, Bộ GD&ĐT thay đổi chính sách mở ngành, chính sách đào tạo sao linh hoạt, đảm bảo lý thuyết thực hành, hàn lâm thực tiễn song hành. Bộ cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 1665, Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tới đây là ban hành Nghị định thực hiện Luật Giáo dục Đại học. “Hôm nay, chúng ta khởi đầu cho một chuỗi hoạt động, trong đó, vai trò của bộ, ngành chỉ là hỗ trợ, còn quyết định thành công hay không là nhà trường và doanh nghiệp. Nếu các trường giữ tư duy đi xin, doanh nghiệp tư duy đi cho thì sẽ không bền. Các trường cần quyết liệt đổi mới, tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên; cần kích hoạt sự đổi mới thực sự chứ không đặt ra theo kiểu phong trào. Đây là sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu, dài không nóng vội nhưng thong thả như thời gian vừa qua cũng không được”, Bộ trưởng Nhạ nêu rõ.

“Đã đến lúc tuy hai mà một”

Trong phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang ra đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành nước phát triển vào năm 2045, khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điều quan trọng để đạt được khát vọng này là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ, làm chủ công nghệ dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng. “Trong cuộc cạnh tranh này nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung - cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại”, Bộ trưởng Hùng nhận định.

Theo Bộ trưởng Hùng, truyền thống đào tạo của Việt Nam là học trước rồi làm sau, không biết thì hỏi thầy, học trên sách giáo khoa, thầy dạy trò nghe, học theo sách là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính. Tuy nhiên, thế giới hiện đã có nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau learning by doing, tự học phải chiếm 70-80% rồi mới hỏi thầy; tư duy phản biện là quan trọng, học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, thực hành nhiều hơn tăng cường đào tạo; các trường phải  mời doanh nghiệp, mời chuyên gia vào giảng dạy nhiều hơn… “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã nắm theo doanh nghiệp quyết định sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau, vẫn đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1”, ông nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ không ngừng thay đổi và cách tốt nhất để đáp ứng là phải học cả đời. Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này. Doanh nghiệp Việt Nam đã coi đây là một khoản đầu tư như là một khoản đầu tư cho thiết bị máy móc chưa?”, ông đặt câu hỏi. Là một người am hiểu về hoạt động của doanh nghiệp CNTT, Bộ trưởng Hùng cho biết, chi cho đào tạo từ 5 đến 10% chi phí lương là con số mà ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. “5 đến 10 % đối với một doanh nghiệp lớn như Viettel tức là từ 500 tỉ đến 1.000 tỉ phải chi cho đào tạo mỗi năm. Nguồn chi lớn như vậy sẽ tạo ra thị trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo”, ông gợi mở.

Người đứng đầu Bộ TTTT cũng cho rằng chúng ta cần có các tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng đào tạo các trường đại học, đánh giá tỉ lệ có việc làm sinh viên ra trường có việc làm, đánh giá mức lương qua các năm của các sinh viên của các trường sư đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn tọa đàm sẽ là diễn đàn để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nhân lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các bên để gắn kết cung- cầu về phát triển nhân lực ICT Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Nhà nước cần khơi thông hợp tác nhà trường – doanh nghiệp

Trình bày về thực trạng và xu thế kết nối cung - cầu nhân lực trong kỷ nguyên số tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Thái Hà cho biết, kheo kết quả điều tra DN năm 2018, năm 2017, Việt Nam có 517.695 doanh nghiệp ICT, với tốc độ tăng bình quân là 8,58%. Tổng số lao động trong doanh nghiệp ICT theo điều tra ở năm 2012 là 10.261.453; đến năm 2017 tăng lên là 12.749.247. Theo PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Việt Nam có thứ hạng PISA cao, có các đội tuyển Olimpics giành giải vàng thế giới, có các nhà khoa học có giải danh giá… khiến nhiều người đầy tự tin vào nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2012 cho biết các cơ sở đào tạo của VN vẫn được tổ chức và hoạt động theo kiểu tháp ngà, thiếu các liên kết cơ bản với các cơ quan tuyển dụng, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo khác và các trường phổ thông.

 

Để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai, theo PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Việt Nam cần có các nội dung, phương pháp dạy và học mới, dạy - học dựa trên năng lực, dựa trên thực hành, dạy tại doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Cùng với đó, cần tăng cường tính kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp từ khâu xây dựng chiếm lược, phát triển chương trình, tuyển sinh, quá trình đào tạo và chuyển giao; tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo khác để cùng giải bài toán lớn có tính hệ thống… Với những nhận định như vậy, PGS.TS Trần Thị Thái Hà đưa ra ý tưởng cổng thông tin kết nối, cập nhật dự báo sự thiếu hụt các kỹ năng từ phân tích thông tin của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, sinh viên tốt nghiệp như một giải pháp.

Là đại diện của cơ sở giảng dạy Đại học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – cũng đánh giá, nhân lực ICT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực, không phải chỉ của chính lĩnh vực ICT. Theo ông Sơn, khối doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực ICT. Song, năng lực cung cấp nhân lực còn hạn chế, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tăng 47%/năm, trong khi nguồn cung nhân lực ICT tăng 8%/năm. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Dẫn báo cáo của Viện chiến lược thông tin và truyền thông Bộ TT&TT, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết, có tới 72% sinh viên ngành CNTT thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn , nhà nước, doanh nghiệp  và trường đại học đều có vai trò quan trọng trong phát triển nhân lực ICT trình độ cao, trong đó, Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo ICT trình độ cao đóng vai trò then chốt, vì vậy, cần hình thành văn hóa hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo trình độ cao. Để đạt được mục tiêu này, theo ông, Nhà nước cần hỗ trợ cơ chế, chính sách để khơi thông hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng cách ban hành quy định về cơ chế liên kết đào tạo nhà trường-doanh nghiệp, cơ chế giải ngân kinh phí đầu tư cho khoa học – công nghệ,  xây dựng cơ chế đặt hàng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Tại phiên Tọa đàm 2: “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”, từ kinh nghiệm của nhà trường, PGS. Võ Đình Bảy - Trưởng khoa CNTT, trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH) – cho biết, doanh nghiệp và nhà trường rõ ràng cần sự gắn kết. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn nhà trường đào tạo theo nhu cầu xã hội, vậy, doanh nghiệp phải cung cấp nhu cầu để trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, tham gia vào quá trình đào tạo. “Chúng tôi thường nói rằng, trước đây, doanh nghiệp muốn “đánh bắt” nhưng bây giờ phải “nuôi trồng” chứ không chỉ đánh bắt không, nhà trường đào tạo ra rồi thấy có “cá bự” thì đến bắt về, không “nuôi trồng” để các em lớn lên, tốt hơn, để có nhân lực tốt để sử dụng”, ông nói.

Ông Dương Trọng Hải - Trưởng khoa CNTT, Viện trưởng Viện KHCN, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – giới thiệu về thuật ngữ “Thung lũng chết”. Theo đó, ông cho hay, thuật ngữ này được sử dụng trong nghiên cứu, mô tả các thách thức cơ bản trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống. Về đổi mới sáng tạo, Thung lũng chết được dùng để chỉ các điểm mà các doanh nghiệp, các start-up đang có các kết quả nghiên cứu đã hình thành nhưng chưa đầu tư đến mức vượt qua thung lũng chết để trở thanh sản phẩm trong thương mại, tự phát triển bền vững trong tương lai. Việc rời các phát triển của khối học thuật sang thương mại là hay rơi xuống thung lũng đó mà nguyên nhân chính là do đầu tư chưa đúng mức, không chỉ là chính sách.

Giải pháp để đưa khối học thuật và thương mại gần nhau hơn, theo ông Hải, quá trình từ phát triển từ ý tưởng đến thương mại, ra sản phẩm có thể chia thành 3 giai đoạn, bao gồm phát triển nghiên cứu đến phát triển công nghệ rồi phát triển kinh tế, tức thương mại hóa. Trong đó, giai đoạn 1 phát triển nghiên cứu đòi hỏi nhà nước và trường đại học trực tiếp đầu tư cùng nhà khoa học để phát triển. Tuy nhiên, đến giai đoạn giữa, nếu chỉ nhà nước và nhà trường không thì không được mà cần có nhu cầu từ doanh nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp để đưa khoa học vào giải quyết các vấn đề cụ thể nhất của đời sống xã hội để tạo ra công nghệ. Khi đó, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và nhà nước cần chính sách hỗ trợ. Đến giai đoạn thương mại thì nhà trường với doanh nghiệp không thể bắt tay nhau đi ra thương mại cũng cần có những nhà đầu tư lớn. mô hình chung là cần giao nhau giữa trường, viện – doanh nghiệp và nhà nước để đưa các bên gần nhau.

Về phía các doanh nghiệp, tại tọa đàm, đại diện các tập đoàn đã giới thiệu nhiều mô hình hợp tác với các trường đại học, hỗ trợ học bổng cho các sinh viên để tăng cường hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao đồng thời đưa ra một số đề xuất để việc hợp tác này có được kết quả cao hơn trong thời gian tới. Ông Hoàng Ngọc Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC – đề xuất cần có hệ thống thông tin tương tác qua lại giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo tương tác thường xuyên giữa 2 bên để đáp ứng cung – cầu. Bên cạnh đó, ông đề nghị cần tập trung đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, để các em khi bước vào doanh nghiệp có cam kết kỷ luật, thái độ với công việc, có tinh thần làm việc nhóm. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị có những giải pháp để kết hợp giữa doanh nghiệp với các “mỏ vàng”, tức những thầy cô giáo của các trường để có thể phát huy nguồn nhân lực này, cũng tạo tính kết nối tự nhiên giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi

Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã cho thấy xu hướng phát triển cũng như vai trò quan trọng của nguồn nhân lực ICT trình độ cao đối với năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh 4.0 hiện nay. Các ý kiến cũng cho thấy rõ sự thiếu hụt, “chưa đồng pha” giữa cung và cầu nhân lực ICT chất lượng cao của Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; nhu cầu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao ICT chưa bao giờ cấp thiết như bây giờ. Nhu cầu xây dựng mối quan hệ đối tác hữu cơ bền vững giữa doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học trong phát triển nguồn nhân lực và sự tham gia chưa sâu của doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo cũng đã được đề cập. “Chúng ta cũng nhìn thấy rõ sự cần thiết của nhu cầu xây dựng hệ sinh thái kết nối cung cầu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt là sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp”, ông nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua các ý kiến cũng cho thấy, về phía các trường cũng cần thực hiện một số vấn đề. Thứ nhất, đã thực hiện tự chủ đại học thì chủ động đổi mới các chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành ICT để làm sao xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đến kết kết nối, tăng đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp cho các sinh viên. Thứ hai là phải kiểm định chương trình đào tạo ICT, đặt lên đây là hàng đầu. Thứ ba, từ góc độ của doanh nghiệp, các trường cũng phải khuyến khích các sinh viên cũng như công nhận một số chương trình quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay thế các chương trình đào tạo hiện có, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm.

Về phía hai Bộ, qua tọa đàm và diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, các Bộ sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sách. Thứ nhất là sẽ cùng nhau hỗ trợ và xây dựng những chuẩn nguồn nhân lực ICT. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng và cập nhật, khuyến khích các trường dùng chuẩn ngành để đổi mới chương trình đào tạo. Thứ hai, Bộ sẽ tăng cường giám sát về chất lượng đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên.. trong đó đặc biệt chú trọng các ngành về ICT. Thứ ba, Bộ sẽ tạo môi trường cạnh tranh để các trường tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ các bên thứ ba để đánh giá, xếp loại các cơ sở giảng dạy về ICT để có được một phản biện nhìn từ góc độ doanh nghiệp và xã hội. Thứ tư, về kết nối doanh nghiệp và các nhà trường, hai bộ cũng sẽ tạo các cơ chế chính sách và bảo trợ cho các hiệp hội như hiệp hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các điển hình, các cẩm nang hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trường đào tạo ICT để thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi.

Cuối cùng, về cơ chế chính sách, 2 bộ sẽ phối hợp với Bộ tài chính để có những quy định thuận lợi nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ICT, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cách mạng 4.0.

Đọc thêm