Gắn quốc phòng với phát triển kinh tế - cần quy định rõ điều kiện

(PLO) - Thảo luận về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) tại Quốc hội (QH) ngày 14/11, đa số các đại biểu QH nhất trí với việc quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quốc phòng năm 2005 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa. 

Ban soạn thảo dự án Luật cũng cho biết, đa số ý kiến của cơ quan, tổ chức, địa phương đều kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung các quy định về việc kết hợp củng cố, tăng cường quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội…Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), ông hoàn toàn nhất trí và ủng hộ việc quân đội làm kinh tế. Lấy dẫn chứng cho điều này, ĐB Trí cho biết tại Viện Quân y 103 đã xây mới toàn bộ, và dường như vốn hoàn toàn từ bộ đội làm kinh tế. “Theo tôi, nếu được như thế thì tốt, đỡ cho ngân sách nhà nước”, ĐB Trí nhấn mạnh. Tuy nhiên, ĐB Trí cũng cho rằng, cần cẩn trọng trong vấn đề này. Nếu cần dùng để đảm bảo an ninh quốc phòng thì ưu tiên còn không thì cũng nên cân nhắc và tính toán kỹ. 

Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho hay, thời gian qua dù có việc này, việc kia nhưng quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế đã có đóng góp rất nhiều cho ngân sách nhà nước, giúp ngân sách giảm chi cho quốc phòng. Trong khi đó, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) khẳng định vấn đề bộ đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chứ không riêng quân đội. ĐB nhấn mạnh, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh, còn kinh tế yếu kém thì quốc phòng cũng yếu kém.

Tán thành quan điểm trên, nhưng ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) đề nghị riêng đối với Điều 16 của dự thảo Luật cần cụ thể hóa, rõ ràng hơn vấn đề quân đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quân đội. Bởi nhiệm vụ chính của quốc phòng là bảo vệ Tổ quốc chứ không phải nhiệm vụ chính của quốc phòng là làm kinh tế. “Theo Điều 16 quy định, Bộ Quốc phòng gần như quản lý chủ trì hết các vấn đề.  Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan lập kế hoạch, củng cố tăng cường quốc phòng với phát triển kinh tế. Tiếp theo các cơ quan khi tổ chức xây dựng, quy hoạch kế hoạch dự kiến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương mình, ngành mình cũng phải kết hợp với quốc phòng, đặc biệt phải có sự tham gia thẩm định của Bộ Quốc phòng về những nội dung có liên quan. Sau đó các cơ quan tổ chức cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh… đều phải kết hợp với Quốc phòng. Trong điều này cần phải nói rõ, không thì quốc phòng sẽ bao trùm hết tất cả mọi vấn đề”, ĐB Hưng đề nghị.

Thượng tướng Lê Chiêm
Thượng tướng Lê Chiêm

Cấm lợi dụng phát triển kinh tế quốc phòng để tạo lợi ích nhóm

ĐB Hưng cũng hoan nghênh việc Bộ Quốc phòng trong thời gian tới sẽ có lộ trình giảm bớt những đơn vị quân đội làm kinh tế mà chỉ để lại những ngành nghề, lĩnh vực thực sự quân đội cần thiết. “Hiện nay có thực tế các đơn vị quân đội sử dụng nguồn lực của quân đội, nhân lực, vật lực rồi các ưu thế khác để làm kinh tế. Ví dụ như những ngành nghề xây dựng, kinh doanh… Chắc chắn quân đội  tham gia có những điều kiện tốt hơn nhưng tôi nghĩ phải rõ những lĩnh vực nào mà quân đội làm, còn những lĩnh vực nào quân đội thôi”, ông Hưng nói.

Khẳng định việc quốc phòng phải gắn kinh tế, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng đề nghị trong các hành vi bị cấm cần bổ sung thêm quy định về việc cấm lợi dụng phát triển kinh tế quốc phòng để tạo lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh; sử dụng đất đai, phương tiện kỹ thuật, nguồn lực quốc phòng không đúng mục đích. Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân đề xuất phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh đầu tư dàn trải.

Khẳng định quốc phòng gắn với kinh tế là “bất di, bất dịch”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm cho hay tất cả các dự án lớn đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng. Tuy nhiên, các dự án đều phải thông qua thẩm định theo phân cấp cụ thể từ huyện, tỉnh đến cấp bộ. Về lâu dài, các doanh nghiệp của quốc phòng chỉ làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng sẽ phải thay đổi hình thức hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có điều kiện phát triển tốt thì sẽ cổ phần hóa, còn các doanh nghiệp yếu kém thì phải giải thể. 

Bổ sung quy định về chiến tranh không gian mạng

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định liên quan đến chiến tranh không gian mạng. Theo ban soạn thảo, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng… sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. 

Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh. Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Do đó, tại Điều 9 của dự thảo Luật quy định về phòng thủ quân khu đã quy định xây dựng kế hoạch, phương án và chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thuộc quyền, phối hợp với cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng theo nhiệm vụ được giao. Thảo luận về dự án Luật, nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành với việc bổ sung này.

Đọc thêm