Gánh nặng nợ công đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế

(PLO) -Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam vạch kế hoạch để duy trì tăng trưởng kinh tế”, Bloomberg cho rằng Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn đang có được sự tăng trưởng nhờ lực đẩy xuất khẩu vốn đã trở nên lỗi thời. Bài báo tập trung viết về nỗ lực của nước ta trong việc hoạch định chính sách cho 4 năm tới.
 

 

Công nhân Việt Nam.
Công nhân Việt Nam.

Quốc hội hôm 20/10 vừa qua bắt đầu kỳ họp kéo dài 1 tháng để thảo luận về các chính sách có thể giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm trung bình khoảng 7% đến năm 2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội bao gồm 496 đại biểu được bầu ra hồi tháng 5 vừa qua sẽ thông qua một số mục tiêu cho năm 2017, trong đó có tăng trưởng, lạm phát, xuất khẩu, chi tiêu và thâm hụt ngân sách. 

Một số vấn đề lớn cần xem xét đối với Việt Nam hiện nay bao gồm:

Tăng trưởng GDP năm 2017

Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2017 là 6,7% - bằng mức mục tiêu ban đầu được đặt ra cho năm nay. Tuy nhiên, phát biểu hôm 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết mục tiêu cho năm nay sẽ không thể đạt được. Theo ông Phúc, nền kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,3 đến 6,5%. Tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ thấp hơn so với ước tính 10% ban đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo, tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới ước sẽ đạt từ 6 đến 7% trong khi lạm phát dự kiến sẽ chạm mức 4%. Chính phủ dự báo thâm hụt ngân sách cho năm này sẽ chiếm khoảng 3,5% tổng sản phẩm quốc nội. 

Triển vọng kinh tế của Việt Nam đang trở nên u ám sau khi Công ty điện tử Samsung – nhà xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 20% trong tổng sản lượng xuất khẩu 162 tỉ USD của Việt Nam trong năm 2015 – có bước đi bi đát là khai tử dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của hãng vì sự cố về pin của điện thoại. 

Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp có vốn Đầu tư trực tiếp Nước ngoài, động thái của công ty Hàn Quốc này sẽ ảnh hưởng đến tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Trong tháng 9 vừa qua, tổng hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đến 4,2% so với tháng trước đó. 

Samsung và các nhà sản xuất nước ngoài khác chính là yếu tố châm ngòi cho sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam, bù đắp sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp trong năm nay sau một đợt hạn hán nghiêm trọng. 

Đến quý III năm nay, kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng 6,4% so với 1 năm trước và nằm trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dù cắt giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới nhưng Ngân hàng phát triển châu Á hồi tháng 9 vừa qua vẫn dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt từ 6% trở lên.

“Dù sản lượng xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á về hoạt động xuất khẩu” – ông Trịnh Nguyễn, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Natixis SA ở Hồng Kông, nhận định. 

Theo ông này, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là mục tiêu tăng trưởng của năm 2016 hay thậm chí là năm 2017 mà vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam phải tìm cách để giải quyết vấn đề tăng trưởng khi đất nước bước vào giai đoạn cạn kiệt nguồn lao động và đất đai giá rẻ vốn được dùng để đổi lấy giá trị thấp.

Thị trường chứng khoán của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển ổn định nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay với mức độ tăng khoảng 19%, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2008 cho đến nay. Đồng tiền của Việt Nam trong năm nay cũng tăng giá khoảng 0,8% sau khi sụt giảm khoảng 5% trong năm 2015.

Nợ công tăng

Hãng xếp hạng Fitch Ratings nhận định mối đe dọa tới xếp hạng tín dụng của Việt Nam xuống mức BB – mức cao thứ 3 – sau khi Quốc hội thông báo mức nợ công của Việt Nam có thể vượt trần 65% tổng sản phẩm quốc nội trong nửa sau của năm. 

“Những thách thức với hồ sơ xếp hạng của Việt Nam vẫn còn, bao gồm sự tái tăng tốc tăng trưởng tín dụng và sự gia tăng nợ công vốn đã cao hơn mức trung bình BB của Fitch” - ông Andrew Fennell, Giám đốc Fitch ở Hồng Kông, nhận định hồi đầu tháng.

Chính phủ hiện đang đối mặt với sự căng thẳng tài khóa lớn nhất trong số những nền kinh tế đang trỗi dậy ở khu vực Đông Nam Á. Số liệu do Ngân hàng thế giới công bố hồi tháng 4 cho thấy nợ công của Việt Nam dự kiến sẽ chạm mốc 64% GDP trong năm nay. Trong khi đó, mức này ở Thái Lan là 41% và Malaysia là 56%.

Nợ công của Việt Nam thời gian qua đã tăng so với mức chỉ 52% ở năm 2010 – khi chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách vay tài chính nhiều hơn để phục vụ cho các khoản chi. Kho bạc Nhà nước sẽ bán thêm 31 nghìn tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ USD) trái phiếu trong thị trường nội địa trong khoảng thời gian từ tháng 10 tới tháng 12, nâng tổng mức trái phiếu bán ra lên thành 281.000 tỉ đồng so với mức dự kiến 250.000 tỉ đồng được đưa ra trong kế hoạch đầu năm.

Nợ xấu của ngân hàng

Kể từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để cải tổ hệ thống ngân hàng sau khi một loạt các hoạt động cho vay quy mô lớn cộng với việc kiểm soát yếu đã dẫn tới sự gia tăng mạnh những khoản nợ xấu.

Các khoản nợ không thanh toán được ở thời điểm năm 2012 lên đến 17% nhưng đến tháng 8 vừa qua đã giảm xuống còn 2,7% sau khi chính phủ thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để mua các khoản nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới hồi tháng 7 vừa qua cảnh báo, những rủi ro tín dụng tiềm ẩn và suy giảm vốn liên kết vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, đặc biệt là khi mới có chưa đến 5% nợ xấu đã được chuyển nhượng được xử lý. Tờ Thời báo Sài Gòn hồi tuần trước dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện có khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu chưa được xử lý. 

Những cải cách chính sách

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội trước diễn ra hồi tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang tăng cường những biện pháp để giúp các doanh nghiệp, bao gồm các bước đi nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, du lịch và các ngành công nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất. 

“Các nhà đầu tư sẽ muốn nhìn thấy những biện pháp cụ thể, những chính sách đột phá mà các nhà làm luật đưa ra. Chúng tôi muốn thấy những mục tiêu mà chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu cùng lúc là không cần thiết” – ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, cho hay.

Trước đó, hãng tin Reuters hôm 29/9 cũng có bài viết về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó dẫn lời ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê – cho biết, thời tiết bất lợi, bao gồm tình trạng hạn hán ở vành đai trồng café và tình hình nhiễm mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã hãm đà tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng như tình xuất nhập khẩu. “Tăng trưởng GDP trong năm 2016 sẽ thấp hơn mục tiêu nhưng mức thấp đến đâu chủ yếu sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực khai thác mỏ” – ông Tuyến nói. 

Nhà kinh tế Gareth Leather ở Capital Economics dự báo kim ngạch xuất khẩu và hoạt động sản xuất của Việt Nam thời gian tới sẽ bắt đầu tăng trở lại khi những ảnh hưởng của hạn hán bắt đầu suy yếu. “Với việc thời tiết trở lại bình thường, tăng trưởng có thể sẽ sớm tăng trở lại. Các lĩnh vực khác trong nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức khá” – ông Leather nhận định.

Ngân hàng phát triển châu Á cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trong nửa sau của năm 2016, khi đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, hoạt động cho vay trong nước tăng và nền nông nghiệp phục hồi nhẹ. Chính phủ tiếp nhận khoảng 11 tỉ USD FDI thực tế trong 9 tháng đầu năm, tăng 12,4% so với năm trước và dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 15 tỉ USD trong cả năm.

Đọc thêm