Trong nhiều phim thường có cảnh một người đàn ông sảy chân bước vào vùng cát lầy, lún dần, lún dần, hoảng loạn kêu cứu nhưng càng vùng vẫy, càng lún sâu trong cát và cuối cùng anh ta biến mất. Những gì còn lại chỉ là trảng cát giết người hoặc có thể là chiếc mũ của nạn nhân.
Có quá nhiều phim có cảnh cát lún khiến nhân vật nhanh chóng thiệt mạng. Theo con số thống kê của phóng viên Mỹ, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, cứ 35 phim thì có 1 phim đưa ra cảnh cát lún. Cảnh này có cả trong những tác phẩm rất nổi tiếng như “Lawrence of Arabia” - một trong những bộ phim được coi là vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh, “The Monkees” - phim truyền hình giành 2 giải Emmy năm 1967.
Tuy nhiên, vẫn thiếu bằng chứng thuyết phục về tình trạng càng giãy giụa, vùng vẫy, nạn nhân càng lún sâu và cuối cùng là chết đuối trong đám bùn cát. Vùng cát lầy thường bao gồm cát hoặc đất sét và muối no nước, thường nằm ở vùng châu thổ sông. Bề mặt trông đặc chắc, nhưng khi người giẫm lên, cát bắt đầu hóa lỏng, nước và cát tách rời nhau, tạo ra một lớp cát ướt được nén chặt. Sự ma sát giữa các hạt cát giảm đi rất nhiều, đồng nghĩa với việc chúng không thể tiếp tục chịu được trọng lượng cơ thể người. Và thế là, người bắt đầu lún xuống. Nhưng có đúng là càng vật lộn, người càng lún sâu hơn và sâu đến mức dẫn tới cái chết?
Khi ở Iran, Daniel Bonn, công tác tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), nhìn thấy ven hồ có các biển cảnh báo du khách về sự nguy hiểm của vùng cát lầy. Ông lấy một mẫu nhỏ mang về phóng thí nghiệm, phân tích thành phần đất sét, muối no nước và cát, sau đó tái tạo khu cát lầy để thí nghiệm. Thay vì dùng người thật, ông sử dụng các hạt nhôm có cùng tỷ trọng như một con người. Ông đặt chúng lên trên khu cát lầy rồi giả lập các động tác của một người đang hoảng loạn. Ông rung lắc toàn bộ mô hình thí nghiệm và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Liệu các hạt nhôm sẽ “chết đuối”?
Câu trả lời là “không”. Đầu tiên, chúng lún xuống một ít, nhưng khi cát bắt đầu dần dần trộn lẫn với nước trở lại, sức nổi của hỗn hợp tăng lên và chúng nổi lên phía trên. Bonn và nhóm nghiên cứu của ông đã đặt tất cả các loại vật thể lên khu cát lầy nhân tạo. Nếu các vật thể có tỷ trọng như con người, chúng lún xuống, nhưng không bao giờ chìm hẳn, chỉ chìm nửa đường. Theo kết quả thí nghiệm vật lý, vật thể không lún mãi, không “chết đuối”.
Nhưng trên thực tế đôi lúc vẫn xảy ra một số tai nạn thương tâm, như Nicola Raybone (một phụ nữ Anh 33 tuổi, 2 con) tử nạn vì sụt cát năm 2012 trong khi đi nghỉ ở đảo Antigua trong vùng biển Caribê. Tại sao vậy? Lý do là dù vùng cát lầy không tiếp tục kéo người xuống phía dưới, nhưng nếu không kịp thoát ra, một cơn sóng cao có thể quét qua. Đây là đặc điểm khiến vùng cát lầy có thể trở nên nguy hiểm.
Vì vậy, việc vùng vẫy một mình không khiến người sa vào vùng cát lầy chết đuối, nhưng tốt hơn vẫn cần nhanh chóng thoát ra. Dù vậy, việc tự giải cứu mình, không chờ cứu họ hoặc chờ cát tiếp tục hóa lỏng là một nhiệm vụ bất khả thi. Nghiên cứu của ông Bonn cho thấy, để giải thoát được một chân, cần phải cung cấp một lực 100.000 newton – tương đương sức mạnh dùng để nhấc một chiếc xe hơi cỡ trung bình.
Trong phòng thí nghiệm, nhóm của ông Bonn nhận thấy, muối là thành phần quan trọng vì nó tăng độ bất ổn định của vùng cát lầy, dẫn tới việc hình thành các khu vực nguy hiểm gồm trầm tích dày. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu khác đến từ Thụy Sĩ và Brazil phát hiện ra một loại vùng cát lầy không có muối.
Họ thử nghiệm các mẫu lấy từ bờ của một vùng hồ rộng lớn ở đông bắc Brazil và nhận thấy, vi khuẩn tạo ra một vỏ cứng trên bề mặt đất cát, tạo ra cảm giác bề mặt vững chắc, ổn định, nhưng khi người bước lên, bề mặt sụp xuống. Tuy nhiên, tin tốt là các vùng cát lầy kiểu này rất hiếm khi sâu hơn chiều cao của người. Nếu ai đó vô tình mắc kẹt trong vùng sụt lún, họ sẽ không bị lún ngập đầu, không bị chết đuối.