“Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện”, ông Lâm nhấn mạnh.
GDP tăng 7,08%
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012- 2018, khẳng định xu hướng chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, thị trường được mở rộng.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê), ngành nông nghiệp năm nay thắng lợi lớn, khởi sắc nhất trong 7 năm trở lại đây. Theo phân tích của ông Hiếu, thời tiết năm qua thuận lợi, do đó, dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng năng suất, sản lượng lại tăng lên. Ngoài ra, cũng do thời tiết thuận lợi nên nhiều loại cây ăn quả tăng cao về sản lượng như vải, nhãn, cam… Vị này cũng cho biết, năm qua cũng chứng kiến việc chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa xấu sang trồng cây ăn quả. Kết quả cho thấy, diện tích trồng lúa chuyển sang trồng hoa quả cho hiệu quả cao hơn hai lần; còn chuyển sang nuôi tôm thì hiệu quả cao hơn đến 5 lần.
Cũng theo ông Hiếu, ngành chăn nuôi lợn năm qua cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, sản lượng thịt cả năm tăng 22%. “Từ những thuận lợi trên mà ngành kinh tế nông nghiệp năm qua gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận”, Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản nói.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%...
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, kinh ngạch xuất khẩu đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, chiếm 28,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 175,52 tỷ USD, chiếm 71,7%. Về cán cân thương mại, năm 2018, Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,8 tỷ USD. “Chúng ta đang xuất siêu nhưng phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, với việc nhiều dự án công nghệ đang được đầu tư, đặc biệt là hệ thống nhà máy xe Vinfat tới đây đi vào hoạt động, hy vọng những năm tới việc xuất siêu không còn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
CPI ổn định,lạm phát được kiểm soát
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 và 2,98% so với tháng 12/1017. “Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% đã đạt được”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, trong CPI tăng 3,54% có nguyên nhân do giá dịch vụ y tế tăng. Cụ thể, việc Bộ Y tế tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm qua đã khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 13,86%, làm CIP năm 2018 tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc tăng học phí các cấp học cũng làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2018 tăng 7,12%, tác động làm cho CPI năm 2018 tăng thêm 0,37%...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 1,7% so với cùng kỳ. Còn cả năm 2018, lạm phát tăng 1,48% so với năm 2017. Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. “Lạm phát cơ bản bình quân năm nay tăng 1,48%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, năm qua có 34.010 DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN năm qua ngừng hoạt động cũng rất cao, lên đến 90. 651 DN, tăng 49,7% so với năm trước. Tổng cục Thống kê cho rằng điều này không đáng lo ngại, nó thể hiện bản chất kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới theo xu hướng cạnh tranh thị trường. Cũng theo Tổng cục Thống kê, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu DN là khả thi.