Đóng góp của vốn đầu tư vào tăng trưởng giảm
Trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Khu vực dịch vụ tăng cao nhất với mức tăng lên tới 6,52%. Đây là thách thức không nhỏ cho mục tiêu tăng 6,7% GDP trong năm 2017.
Đối với khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: bán buôn bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,72%.
Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục thống kê), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nhưng gần đây mức đóng góp của vốn đầu tư vào tăng trưởng kinh tế đang giảm dần. Cụ thể, trước đây, vốn đầu tư chiếm tới 60% mức tăng trưởng kinh tế thì hiện nay chỉ chiếm khoảng 54-55%. Đây là tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý I/2017 thể hiện, mặc dù năm 2016 số lượng doanh nghiệp mới thành lập khá cao, lên tới 110.100 doanh nghiệp nhưng chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,7%.
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: trong số hơn 100.000 doanh nghiệp mới thành lập đã có 98.757 doanh nghiệp đi vào hoạt động .
Tuy nhiên, xét về cơ cấu doanh nghiệp, thì có đến 35,4% doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy. Đây là hoạt động đặc thù, không có đóng góp vào sản xuất vật chất sản phẩm hàng hóa do vậy tăng trưởng kinh tế và sản phẩm hàng hóa không được tăng như kỳ vọng. Trong số doanh nghiệp đi vào hoạt động chỉ có 13,7% doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ.
97% doanh nghiệp quy mô nhỏ
Theo ông Lâm, khi xem xét đóng góp tăng trưởng kinh tế từ số liệu doanh nghiệp, phải căn cứ vào cơ cấu doanh nghiệp thành lập. Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cũng cho biết, số liệu hiện đang cho thấy, có tới 97% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ với quy mô hoạt động không lớn, số lượng lao động ít nên tác động bình quân của nhóm doanh nghiệp này cũng không đáng kể nên GDP quý I/2017 tăng không như kỳ vọng của Chính phủ.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến GDP tăng trưởng thấp là do trong quý I/2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh cũng tăng không đáng kể so với kỳ vọng. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, cả nước chỉ có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 271 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu đáng mừng khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn so với quý trước; 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II, có 57,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên.
Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2017 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng CPI tháng 3/2017 tăng 0,21% so với tháng 2/2017, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Tăng cao nhất là nhóm thuốc (7,51%) và dịch vụ y tế (9,86%); tác động khiến CPI tăng khoảng 0,38%.