Vụ việc gây náo loạn ở sân bay Cam Ranh năm ngoái là một ví dụ rất rõ. Thậm chí, họ còn sang đây để trả món nợ ân oán như vụ người Trung Quốc giết nhau ở Đà Nẵng mà phiên tòa xét xử vừa được mở ra. Họ "thanh toán" lẫn nhau cũng vì cạnh tranh việc buôn bán, dịch vụ với khách du lịch đồng hương ở Việt Nam.
Song, điều đáng quan tâm hơn cả là có những khách du lịch đó mang hộ chiếu in hình lưỡi bò – cái mà Nhà nước ta không chấp nhận. Những người gác cổng biên giới đã tìm ra một cách để lách là chỉ cấp thị thực rời chứ không đóng dấu vào hộ chiếu. Đó là một sự nhân nhượng làm ảnh hưởng đến quốc thể, thử hỏi món lợi nhỏ nhoi do khách du lịch kia mang lại cho đất nước có đáng phải trả giá thế không?
Một tâm điểm của dư luận trong tuần là bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) có nguy cơ bị “băm nát” do xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà cao tầng ở đây. Một sự xâm hại thiên nhiên, cảnh quan và môi trường đã quá rõ ràng, hơn thế, còn ảnh hưởng đến cả an ninh quốc phòng.
Có những người tâm huyết đã lên tiếng như ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng viết tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan công quyền phụ trách văn hóa, du lịch ở thành phố này không đồng ý với tâm thư đó cũng như nội dung của nó. Song, dư luận lại rất hoan nghênh những kiến nghị của bức thư này, coi đó cũng là tiếng nói của họ.
Nếu chính quyền Đà Nẵng tiếp tục nhân nhượng cho các hành vi xây dựng trái phép hoặc có phép mà tàn phá thiên nhiên thì hẳn cái giá phải trả không tính được bằng tiền. Không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, có vị lãnh đạo từng nhắc nhở, nhấn mạnh như thế, nhưng có ai nghe và làm theo không đó lại là chuyện khác.
Hai dẫn chứng từ thực tế trên đây để minh họa cho sự ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc giữ gìn quốc thể cũng như bảo vệ môi trường.