Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h ngày 2/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 79,97 USD/thùng, tăng 1,71 USD/thùng tương đương tăng 2,19%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 83,55 USD/thùng, tăng 1,64 USD/thùng tương đương tăng 2%.
Giá dầu đi lên trước những đồn đoán về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý II/2024.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho biết, với triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn, OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận nguồn cung hiện tại đến cuối quý II/2024.
Khảo sát của Reuters cho thấy, OPEC đã bơm 26,42 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2/2024, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.
Các nguồn tin cho biết, quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 3/2024. Các nước sẽ tự công bố quyết định của riêng mình.
Bên cạnh đó, lo ngại về việc OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng có thể giúp giá dầu duy trì ở vùng giá cao.
Ông Suvro Sarkar, người phụ trách nhóm năng lượng của Ngân hàng DBS (một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất châu Á) cho biết, ngày càng có khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được kéo dài đến cuối năm 2024. Điều này có thể giữ giá dầu trên mức 80 USD/thùng.
Ngoài ra, số liệu mới nhất về PCE đã giúp củng cố dự đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Việc này có khả năng làm giảm chi phí tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động mua nhiên liệu.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay: Xăng E5RON92: không cao hơn 22.752 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 23.929 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.773 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 20.785 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.959 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 29/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá bán lẻ xăng được điều chỉnh tăng, còn giá dầu giảm.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 9 lần điều chỉnh giá trong đó có 6 lần tăng và 3 lần giảm.