Giá dầu tiếp tục 'chìm' sâu, giá xăng trong nước chiều nay ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm theo đà giảm từ tuần trước. Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được dự báo đồng loạt giảm vào chiều nay. 
Giá xăng dầu trong nước có thể đồng loạt giảm vào chiều nay.
Giá xăng dầu trong nước có thể đồng loạt giảm vào chiều nay.

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h30 ngày 13/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 77,04 USD/thùng, giảm 0,13 USD/thùng tương đương giảm 0,17%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 81,30 USD/thùng, giảm 0,13 USD/thùng tương đương giảm 0,16%.

Giá dầu thô thế giới sáng nay có xu hướng đi xuống theo đà giảm từ tuần trước. Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp. Giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần khi liên tục đảo chiều ngay trong từng phiên giao dịch.

Sự biến động mạnh của giá dầu trong tuần qua chịu sự chi phối bởi yếu tố nguồn cung và sự tăng - giảm của đồng USD.

Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ sau khi 2 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện tổng cộng là 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm nay.

Tới phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu thế giới quay đầu giảm tới hơn 4%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Giá dầu trong phiên này chịu tác động từ số liệu kinh tế của Trung Quốc suy yếu, sự mạnh lên của đồng USD và mức xuất khẩu dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng.

Đà giảm kéo sang phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Ở phiên này, giá dầu giảm thêm hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng. Giá dầu Brent đã bị đẩy xuống dưới mức 80 USD/thùng. Lo ngại nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá dầu lao dốc.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu thế giới đã đảo chiều tăng nhẹ do lo ngại nhu cầu ngày càng suy yếu. Đà tăng của giá dầu được duy trì ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, với mức tăng khoảng 2%. Giá dầu đi lên khi Iraq lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm dầu của OPEC+ trước thềm cuộc họp của nhóm vào ngày 26/11.

Dù có tới 3 phiên tăng trong tuần qua nhưng giá dầu vẫn chứng kiến tuần giảm do mức tăng khá khiêm tốn đã không thể giúp giá dầu lấy lại hết những mất mát lớn ở 2 phiên giao dịch đầu tuần.

Đóng cửa tuần qua, giá dầu tăng khoảng 2% nhưng tính cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều chịu mức mất mát khoảng 4%.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu vào chiều nay (13/11) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.

Giá xăng dầu trong nước đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tuần qua giảm khá mạnh. Còn tại thị trường Singapore, ở kỳ điều hành này, giá xăng thành phẩm bình quân giảm nhẹ so với kỳ trước.

Do đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, tại kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá xăng có thể từ 300 - 400 đồng, trong khi mức giảm của giá dầu dao động từ 400 - 700 đồng/lít,kg.

Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ BOG thì giá xăng có thể giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 1/11), giá xăng được điều chỉnh tăng còn giá dầu giảm.

Cụ thể, giá xăng E5 tăng 250 đồng/lít, lên 22.610 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 23.920 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu diesel giảm 540 đồng/lít, giá bán là 21.940 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hỏa giảm 450 đồng/lít, xuống mức 22.300 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 19 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.