Giá dầu và khí đốt "đốt nóng" Hội nghị thượng đỉnh G20

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những người đứng đầu 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu hai ngày đàm phán vào thứ Bảy (30/10) để thảo luận về mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu và đưa ra các cam kết mới triệt để nhằm khắc phục sự nóng lên toàn cầu. Lo ngại về giá năng lượng tăng là một mối quan tâm tại Hội nghị.
Biển báo hết nhiên liệu ở một trạm xăng tại Cardiff, Wales (Anh) vào ngày 26/9/2021. Ảnh: Getty Images
Biển báo hết nhiên liệu ở một trạm xăng tại Cardiff, Wales (Anh) vào ngày 26/9/2021. Ảnh: Getty Images

Tránh các mô hình khí hậu thảm khốc mới

Dự thảo của thông cáo cuối cùng cho biết các nước G20 sẽ tăng cường nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mức mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh các mô hình khí hậu thảm khốc mới.

Các nhà lãnh đạo cũng dự kiến ​​sẽ ủng hộ kế hoạch tiêm chủng cho 70% dân số thế giới chống lại COVID-19 vào giữa năm 2022 và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để chống lại các đại dịch trong tương lai.

Trong các cuộc hội đàm về kinh tế, các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ ủng hộ một thỏa thuận mà hơn 130 quốc gia đã đạt được về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, có thể dẫn đến khoảng 60 tỷ đô la thu nhập thuế bổ sung mỗi năm cho riêng Hoa Kỳ, nguồn tin từ quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ cam kết ngừng cung cấp tài chính cho sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay và "làm hết sức mình" để ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới trước khi kết thúc những năm 2030.

Tuy nhiên, trước Hội nghị, sáng sớm thứ Bảy, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận các cuộc đàm phán G20 và COP26 sẽ rất khó khăn, nhưng cảnh báo rằng nếu không có hành động can đảm, nền văn minh thế giới có thể sụp đổ nhanh chóng như đế chế La Mã cổ đại, mở ra một thời kỳ đen tối mới. "Sẽ rất, rất khó để đạt được thỏa thuận mà chúng tôi cần," ông nói với các phóng viên.

Thúc giục tăng sản lượng khí đốt

Trong khi cuộc tranh luận về khí hậu sẽ chiếm ưu thế ở Rome, phần lớn thời gian của ngày hội đàm đầu tiên được dành cho việc thảo luận về cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo G20 trước hội nghị thượng đỉnh tại trung tâm hội nghị La Nuvola, ở Rome (Italy), ngày 30/10/2021. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo G20 trước hội nghị thượng đỉnh tại trung tâm hội nghị La Nuvola, ở Rome (Italy), ngày 30/10/2021. Ảnh: Reuters

Những lo ngại về giá năng lượng tăng và chuỗi cung ứng bị kéo dài sẽ được giải quyết, trong khi Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ thúc giục các nhà sản xuất năng lượng G20 có năng lực dự phòng thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nga và Arabia Saudi, để đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn, một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.

Với giá dầu và khí đốt tăng mạnh và lo lắng về tình trạng thiếu năng lượng và lạm phát đã khiến các thành viên G20 bị chia rẽ.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lặp lại những lo ngại đó trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, thúc giục hội nghị thượng đỉnh thúc đẩy "tầm nhìn và sự ổn định về giá cả" tốt hơn để tránh làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID-19.

Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ lo ngại khi giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh, với mức chuẩn của châu Âu tăng gần 600% trong năm nay, do lượng tồn kho thấp và nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan đã nêu những vấn đề tương tự trong chuyến thăm tới Brussels vào tháng này, chỉ ra "Đây là thời điểm nhạy cảm trong nền kinh tế toàn cầu và điều quan trọng là nguồn cung năng lượng toàn cầu theo kịp nhu cầu năng lượng toàn cầu".

"Có những nhà sản xuất năng lượng lớn có công suất dự phòng và chúng tôi khuyến khích họ sử dụng nó để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trên toàn thế giới", quan chức này cho biết, không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cũng cho biết các nhà lãnh đạo G20 sẽ không nhắm mục tiêu cụ thể vào Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm cả Arabia Saudi, hoặc đặt ra bất kỳ mục tiêu nào về sản xuất năng lượng.

Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của họ đang được thúc giục làm nhiều hơn nữa để giảm giá trên thị trường giao ngay.

Bình luận của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng đã làm dấy lên căng thẳng mới về đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2, điều mà Washington từ lâu đã phản đối và hiện đang chờ cơ quan quản lý của Đức thông qua.

Ônh Novak cho biết việc khai thông đường ống có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, làm dấy lên lo ngại rằng Nga đã không thể thúc đẩy sản xuất khí đốt - hiện đang được cung cấp thông qua các đường ống trên đất liền - chính là gây áp lực lên châu Âu để phê duyệt Nord Stream 2.

Khối G20, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 60% dân số và ước tính khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Rome đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao từ cuối tuần, với tới 6.000 cảnh sát và khoảng 500 binh sĩ được triển khai để duy trì trật tự.

Hai cuộc biểu tình đã được cho phép trong ngày, nhưng những người biểu tình sẽ được giữ ở xa trung tâm hội nghị thượng đỉnh, nằm ở vùng ngoại ô được xây dựng bởi nhà độc tài phát xít thế kỷ 20 Benito Mussolini.

Đọc thêm