Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 8h ngày 26/1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 77,22 USD/thùng, giảm 0,14 USD/thùng tương đương giảm 0,18%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 82,43 USD/thùng, tăng 2,39 USD/thùng tương đương tăng 2,99%.
Giá dầu thô thế giới biến động mạnh khi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi ngân hàng trung ương nước này ngày 24/1 tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải nắm giữ, một động thái để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC, cho biết thị trường đã chờ đợi sự kích thích kinh tế từ Trung Quốc trong vài tháng qua. Theo Kilduff, việc cắt giảm dự trữ ngân hàng có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, triển vọng duy trì lãi suất cao vẫn còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngày 25/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ tỉ lệ lãi suất chuẩn cao kỷ lục là 4%, không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang dự tính nới lỏng chính sách.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.171 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 23.407 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.376 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.544 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.494 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 25/1. Giá xăng tăng mạnh nhất, trong đó xăng RON 95-III tăng 925 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 753 đồng/lít. Giá dầu tăng nhẹ, trong đó dầu diesel tăng nhiều nhất, 182 đồng/lít. Đáng chú ý là dầu mazut được điều chỉnh giảm 14 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 4 đợt điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định 80/NĐ-CP. Trong đó có 1 phiên giảm và 3 phiên tăng liên tiếp.