Ngay sau khi nhận được tin thi thể của anh Khải đã được đưa vào bờ, người dân thôn tân văn 2 xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đến từ sớm để có thể thắp một nén nhang thơm đưa anh về cõi vĩnh hằng.
Tâm nguyện dở dang
Ngày 14/6, máy bay quân sự Su-30MK2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân làm nhiệm vụ bay huấn luyện bị mất liên lạc.
Thời điểm đó, trên máy bay có hai phi công: Thượng tá Trần Quang Khải (quê xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923; và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (quê xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) - Phi đội trưởng, Trung đoàn 927 được tăng cường về Trung đoàn 923 để bay huấn luyện, tiếp cận với máy bay tiêm kích mới, hiện đại.
Sau 8 giờ di chuyển trong điều kiện trên biển có gió to và sóng lớn, lúc 4h ngày 18/6, tàu biên phòng mang số hiệu BP-061901 đưa thi thể thượng tá Trần Quang Khải, phi công máy bay Su-30MK2 bị rơi trên biển, đã cập cầu cảng Hải đội 2 Biên phòng Nghệ An (đóng tại TX.Cửa Lò, Nghệ An). Các đồng đội sau một đêm thức trắng chờ đợi, đã đón thi thể thượng tá Khải trở về đất liền.
Sau những ngày mỏi mòn chờ đợi, niềm hi vọng về việc anh còn sống đã bị dập tắt. Sự thật dường như quá sức chịu đựng với người thân và gia đình Đại tá Khải.
''Khải là trai con trưởng trong nhà, là niềm tự hào của cả gia đình. Em tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ, phụng sự cho đất nước cho nhân dân. Ngay khi nhận được tin máy bay mà Khải điều khiển rơi, cả gia đình nóng lòng như ngồi trên đống lửa. Từ hôm qua, biết tin em ra đi thật rồi, có người vẫn không dám tin đó là sự thật, đau lòng lắm", chị gái Đại tá Khải chia sẻ.
Lực lượng Quân đội đến từ rất sớm đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân tới viếng Đại tá Khải. |
Chị gái Đại tá Khải cho biết thêm, anh Khải có 9 chị gái và 1 em trai. Anh Khải vốn là người sống chan hòa, luôn lắng nghe và giúp đỡ người thân trong gia đình. Do tính chất công việc, ít khi Đại tá Khải có thời gian ở gia đình. Vì vậy, mỗi khi rảnh là anh lập tức bắt xe về quê thăm người thân, vợ con. Có lần anh chỉ về chững 4, 5 tiếng đồng hồ rồi phải trở lại đơn vị. Có lần, bữa cơm vừa dọn ra, anh Khải chưa kịp ăn đã phải rời đi...
"Lần về gần đây nhất của Khải chừng nửa tháng trước. Cũng như mọi lần, em tôi về được nửa ngày, sum họp với vợ, vui đùa với con gái được một lát đã lại vội lên đường. Thậm chí, việc em tôi ra đi làm nhiệm vụ triền miên khiến cho nhiều người lầm tưởng vợ của em tôi không có chồng mà chỉ là ở tạm đó chăm sóc con. Vì vậy, mỗi khi Khải về, dù bận rộn tới đâu cũng đều phải dẫn vợ con đi thăm hàng xóm, người thân, họ hàng nội ngoại để họ "biết mặt", chị Đại tá Khải giãi bày.
Mới có một con gái gần 4 tuổi, vợ chồng anh Khải muốn sinh thêm một con. Tuy nhiên, vì đặc thù công việc nên anh đã tạm gác chuyện này sang một bên. “Gần đây, tôi có nghe vợ Khải tính tới chuyện sinh con. Thế nhưng giờ đây tậm nguyện đó mãi mãi sẽ không thực hiện được nữa rồi. Em dâu tôi là giáo viên. Từ khi nhận được tin dữ, em tôi mất ăn mất ngủ khiến cơ thể suy nhược, sự mất mát của Khải là nỗi đau lớn của cả gia đình. Giờ đây nhìn cô em dâu thất thần, người như khúc gỗ, chúng tôi khó có thể cầm lòng được", chị gái anh Khải bộc bạch.
Ông Trần Văn Đạt (chú ruột của Đại tá Trần Quang Khải) cho biết thêm, anh Khải đóng quân ở Thanh Hóa, còn vợ con thuê nhà sống ở Hà Nội.
Vợ chồng anh Khải dự định thời gian tới sẽ xây một căn nhà nhỏ ở Hà Nội để ổn định cuộc sống, vợ anh yên tâm công tác và có điều kiện chăm sóc con gái. Nhưng rồi, anh đã ra đi mãi mãi...
Ông Bùi Hữu Hạnh, Trưởng thôn Tân Văn 2 trao đổi với phóng viên. |
Hàng xóm khắc khoải chờ anh về
Từ sáng sớm nay, 20/6, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng như Quân đội, Công an đã có mặt tại nhà Đại tá Trần Quang Khải để chuẩn bị sẵn sàng thủ tục cho lễ viếng. Khá động họ hàng và bà con lối xóm cũng đến động viên người nhà anh Khải và chờ đón anh về.
“Anh Khải là người vừa có đức vừa có tài, sự ra đi của anh là một niềm mất mát lớn đối với gia đình và đất nước. Từ hôm hay tin anh Khải gặp nạn, hàng xóm ai cũng thương xót và ngóng trông tin tức của anh. Nhiều người đang đến thăm hỏi, mong được thắp cho anh một nén nhang ”, ông Bùi Hữu Hạnh, Trưởng thôn Tân Văn 2, ngậm ngùi.
Trong ký ức của những người hàng xóm ở Bắc Giang, phi công Khải mang trong mình những tố chất của người lính, rất nhiệt tình, tận tụy, được nhiều người yêu mến. Mỗi lần được dịp nghỉ phép về quê, anh đều tranh thủ thăm hỏi, động viên người dân trong xã.
Hàng xóm hồi tưởng những ký ức về Đại tá Khải. |
Bà Huệ, bán hàng nước đối diện nhà Đại tá Khải cho hay: "Nhà anh Khải nề nếp gia giáo nổi tiếng cả vùng. Bố anh ấy năm nay hơn 90 tuổi rồi nhưng còn minh mẫn lắm. Đông con như vậy mà ông vẫn nuôi các con trưởng thành cả.
Mẹ anh Khải mất năm 75 tuổi, bà phúc hậu lắm, ai cũng yêu mến. Mặc dù nhà đông anh chị em nhưng họ rất biết bảo ban, đùm bọc lấy nhau. Tôi để ý, ngần ấy năm gia đình Khải chưa một lần cãi vã, to tiếng bao giờ. Anh Khải theo nghiệp lính ngay khi học xong cấp 3. Kể từ đó, anh ấy rất ít khi xuất hiện, chỉ trừ những dịp lễ Tết hoặc những sự kiện quan trọng của gia đình.
Hôm được tin anh Khải mất tích trên tivi, chúng tôi thường xuyên qua nhà để hỏi thêm tin tức, qua đó cũng động viên vợ con và gia đình anh. Mỗi lần nghe thấy tin gì mới từ lực lượng tìm kiếm là tôi lại chạy ngay qua nhà anh Khải để thông báo. Dường như cả xã đều mong chờ tin tức của Khải từng ngày.
Nhận được tin anh Khải hi sinh, chúng tôi như chết lặng. Chiều nay (20/6), linh cữu của anh được đưa về quê, hàng xóm chúng tôi đều mong ngóng chờ tin anh về để tháp một nén nhang thơm để tưởng nhớ đến anh, một người chiến sĩ tài đức vẹn toàn”.