Ngành Thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin nội bộ và người nộp thuế không phải gửi giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau.
Doanh nghiệp chưa hết băn khoăn
Tại Tọa đàm: “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất” vừa diễn ra, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng, bà cho biết, có 2 kết quả đáng chú ý.
Thứ nhất, các DN đều đánh giá giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất là dễ dàng nhất trong việc tiếp cận so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm…; Thứ hai, về độ hữu ích, đa số DN cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của DN, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho DN trong việc cầm cự, trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
“Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, rất nhiều vướng mắc, khó khăn của DN trong năm trước đã được cân nhắc, tiếp thu và được hoàn thiện trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP” - ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, thực tế triển khai, ông Hiếu cho biết, một số DN vẫn có một số băn khoăn, chủ yếu do bối cảnh tác động tiêu cực do dịch. Đơn cử, cơ quan thuế (CQT) chấp nhận đề nghị gia hạn nhưng không có phản hồi, giả sử sau này DN có bị sai về đối tượng hay nội dung thì theo nguyên tắc DN tự chịu trách nhiệm và nếu sai lại bị thanh tra và bị truy thu thuế.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VNSME) cho rằng, chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến kết quả là đối tượng thụ hưởng phải được hưởng nhiều nhất.
“Đối với Nghị định 52, chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian kê khai thêm 6 tháng nữa, tương ứng như vậy thời hạn nộp thuế sẽ kéo dài tương ứng với thời gian kê khai để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ, của Nhà nước với cộng đồng kinh doanh đang gặp khó khăn”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, VNSME đã có đề án, báo cáo đề nghị áp dụng những chính sách có tính chất đột phá và lâu dài cho khu vực này. Trong đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho khu vực DN này được nộp thuế thu nhập DN từ 2-3% doanh thu của năm đối với các DN có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, đồng thời bãi bỏ, miễn giảm cho một số thủ tục mở sổ sách kế toán trong khu vực này.
Giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm
Trao đổi tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (NNT) (Tổng cục Thuế) lưu ý, để tạo thuận lợi cho DN, Nghị định 52/2021/NĐ-CP được thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ.
“Nếu DN có hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, ngành Thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin về quản lý giữa các đơn vị trên các địa bàn để cập nhật thông tin gia hạn, NNT không phải gửi đến nhiều CQT khác nhau. Đó là những cải tiến đáng kể trong thủ tục hành chính khi triển khai Nghị định 52/2021/NĐ-CP...” - bà Hà khẳng định.
Về băn khoăn của DN, bà Hà cho biết, Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã thiết kế danh mục ngành hàng mà NNT sẽ tự soi vào đó để xác định mình thuộc ô nào và tự tích vào đấy. “Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế của NNT có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho NNT” - bà Hà khẳng định.
Đại diện Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ đối tượng nộp thuế cũng lưu ý, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, DN phải lường trước, chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
“Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Ví dụ thuế của tháng 3 được gia hạn 6 tháng thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế của tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế chứ không phải tất cả phải nộp trong tháng 12. Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào ngày 31/5, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng…” - bà Hà giải thích và khẳng định, sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm sẽ giúp NNT chủ động hơn…
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn và được xem là “liều thuốc” quý giúp DN tiếp tục trụ vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách tại Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.