Gia Lai mùa lễ hội

(PLVN) - Nhắc đến Gia Lai người ta sẽ nghĩ tới những nương cà phê trĩu quả, là đồi chè xanh ngút ngàn núi trùng điệp, là một thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Thế nhưng, có một Gia Lai rất khác, Gia Lai của sắc màu, của những mùa hoa…

Ngắm sắc vàng dã quỳ nơi núi lửa Chư Đăng Ya

Tháng 11, những cơn mưa rừng đã ngừng rơi. Nàng nắng đã nhảy nhót ngoài khung cửa. Cả đất trời Tây Nguyên bỗng như được đổi màu. Mới sáng hôm qua thôi, bầu trời vẫn còn u ám với những mây đen xám xịt thì chỉ sau một đêm, sắc vàng đã như bừng sáng cả đất trời. Đâu đâu, ở giữa những hàng nương, những bức tường, quanh co các con đường đều là một màu vàng rực của hoa dã quỳ. Không phải tự nhiên, một loài hoa chỉ mọc dại bên đường mà trở thành biểu tượng của Tây Nguyên. Bởi đây là một loài hoa không kiêu sa, nhưng nó cuốn hút người ta bởi vẻ mộc mạc rất riêng của nó. Cái màu vàng của hoa, màu vàng của nắng cũng làm cho Gia Lai mùa này đẹp đến nao lòng.

Núi lửa Chư Đăng Ya nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát

Buổi sáng, hãy cùng tôi khám phá ngọn núi lửa Chư Đang Ya. Núi Chư Đang Ya thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, nằm cách thành phố khoảng 12 km về hướng Tây Bắc. Ngọn núi lửa này được 1 tạp chí nước Anh bình chọn là 1 trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới (năm 2018). Núi lửa nằm giữa một cánh đồng lúa ngan ngát, bao la. Đến đây, ngay sau khi bước chân đến chân núi bạn như lạc vào một thế giới khác, xứ sở thần tiên. Hai bên đường là những dải hoa vàng mà tôi cá rằng bất cứ ai yêu thơ Xuân Diệu khi đặt chân đến cũng đều có một ao ước kiểu “tôi muốn tắt nắng đi/ cho màu đừng nhạt mất”.

Đến Gia Lai mùa này, đâu đâu cũng gặp những hàng hoa rực sắc như thế này. Ảnh TN

Sáng một ngày tàn đông, bạn sẽ thấy cảm nhận thấy hơi lạnh phả vào da thịt. Cái lạnh của Gia Lai mùa này không đến nỗi cắt da cắt thịt, nó chỉ khiến những thiếu nữ điệu đà hơn trong những chiếc khăn sặc sỡ sắc màu.

Nay là thế, nhưng lần theo những thư tịch cổ bạn sẽ biết hàng triệu năm trước nơi đây từng là miệng núi lửa đang phun chảy. Dấu trăm năm như in dấu trong lòng tay bạn. Trong không khí của những ngày cận năm, nỗi hoài nhớ về sự bất tận của thời gian khiến bạn thấy thời khắc mình đang sống thật đáng quý, đáng tận hưởng.

Những đôi mắt trong veo của các em nhỏ bản địa cũng khiến bạn thấy lòng bình yên

Người ta truyền tai nhau về những truyền thuyết của loài hoa này. Một câu chuyện mang đầy màu sắc bản địa và tình yêu đôi lứa. Là một ngày nào xa xưa lắm, ở nơi buôn nọ có chàng K’lang yêu say đắm nàng H’limh. Ngày ngày, chàng đi vào rừng săn thú rừng còn nàng ở nhà dệt khăn áo. Tối tối, chàng, nàng và buôn làng lại nhảy múa quanh ngọn lửa. Vì H’limh xinh đẹp nên con trai của tộc trưởng cũng đem lòng yêu nàng.

Nhưng trái tim của H’limh chỉ dành cho chàng K’lang. Tình yêu hoá hận thù nên chàng K’lang đã bị quân của chàng trưởng tộc bắt trói lại. Buổi tối hôm đó, nàng chờ mãi không thấy người yêu trở về. Nàng đã băng qua các cánh rừng, các con suối để tìm chàng. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình rồi đi tiếp đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của chàng La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng.

Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K’lang chàng đã buông lơi mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là H’limh – người con gái mà chàng ngày đêm thương thầm nhớ trộm. Vậy là, từ chỗ máu của nàng chảy xuống mọc lên một loài hoa rực rỡ sắc vàng- một loài hoa có sức sống mãnh liệt như tình yêu bất diệt của họ.

Không biết, truyền thuyết trên thực hư của câu chuyện như thế nào nhưng đối với người dân nơi đây, khi hoa dã quỳ nở không chỉ đất trời chuyển màu mà người ta còn gọi đó là một loài hoa “Báo nắng”. Kinh nghiệm của những người dân bản địa thì mỗi khi dã quỳ nở cũng là bắt đầu cho mùa khô của Tây Nguyên- mùa của những lễ hội.

Thăm làng Ia Gri

Lang thang qua miền núi lửa Chư Đăng Ya, du khách sẽ bắt gặp những viên nham thạch trên lối đi, trong những luống khoai lang hay rải rác trong những đám dã quỳ. Những viên đá nhiều kích cỡ, hình dạng là chỉ dấu của ngọn núi lửa hàng triệu năm trước.

Nằm ngay dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya là ngôi làng Ia Gri với vài chục nóc nhà nằm khiêm nhường dưới chân núi. Với những gia đình này, núi lửa như là nóc nhà, là người mẹ che chở nuôi dưỡng họ. Buổi tối, khi màn đêm buông xuống, cả nơi đây được bao bọc bởi một lớp sương mù dày đặc. Chúng ta quây quần bên bếp lửa của người Gia Rai, nhấp hơi rượu ghè để nghe những già làng kể về những truyền thuyết lập làng, những vua Nước, vua Lửa, là truyền thuyết về chiếc gươm thần Y Thih để lại, là những bản tình ca Tây Nguyên… Những câu chuyện qua các mùa trăng, đi qua mùa rẫy được các già làng kể cho con cháu nghe để đời đời, kiếp kiếp người Gia Rai yêu và bảo vệ mảnh đất này.

Những lễ hội, tập tục được tái hiện với sự mộc mạc đơn sơ như bản chất của người Gia Lai

Đến với lễ hội của Gia Lai mùa này, bạn không chỉ được ngắm những cung đường dã quỳ mà bạn hãy cùng với người dân nơi đây hoà mình vào Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya để tận mắt thấy những điệu múa của bà con buôn làng, để hoà mình vào không gian văn hoá cồng chiêng, để thấy những đôi tay khéo léo của nghệ nhân đục tượng hay dệt thổ cẩm, để thưởng thức những món ăn dân dã của người địa phương, để đắm chìm trong không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được tái hiện đầy sống động.

Nếu bạn là người từng mê đắm nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc với hình ảnh Tnú- một người con Tây Nguyên chân chất, mộc mạc, người anh hùng của núi rừng thì nơi đây chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng ngàn, hàng vạn những gương mặt chân chất như vậy đang hoà mình vào những âm thanh vang dội núi rừng với màn trình diễn cồng chiêng đông nhất Việt Nam; chúng ta cũng dễ dàng thấy đâu đó trong lễ hội những hình ảnh cô gái xinh đẹp với đôi tay thoăn thoắt trên những khung dệt. Bạn sẽ có một buổi tối đáng nhớ, buổi tối ở làng Gri sẽ làm dày thêm tâm hồn bạn.

Sau một giấc ngủ trong khí trời se se lạnh. Nếu ngày hôm qua bạn đã thoả thuê với dã quỳ hãy cùng tôi đến thăm cánh đồng chè Bàu Cạn nơi những rặng hoa muồng vàng rực rỡ. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ ngỡ ngàng như đang ngắm một tấm lụa màu xanh của đồi chè với những điểm tô bởi những chấm màu vàng đẹp mắt.

Những con đường hoa muồng vàng cũng như níu chân du khách

Cũng có thể bạn cùng ai đó dắt tay nhau đi dưới hàng thông trăm tuổi. Đa số ai đến Gia Lai cũng từng chụp ảnh dưới tán thông này và cũng có nhiều người chú thích rằng “Có một Hàn Quốc thu nhỏ ở đây” hay đại loại thể. Có lẽ vì họ thấy hàng thông quá đẹp và không có nhiều ngôn từ để miêu tả. Nhưng tôi yêu Gia Lai theo cách riêng của mình, yêu theo cách có phần hơi ích kỷ. Tôi không thích người ta ví Gia Lai như thế, Gia Lai của tôi “là một, là riêng”. Đã có lần đi dưới tán thông đó với một ly cà phê nguyên chất. Tôi đã từng ao ước rằng: Nếu cuộc sống này không còn phải lo toan quá nhiều, tôi ước có một ngôi nhà nhỏ gần những tán thông đó để mỗi sớm mai tôi cùng với “người ấy” tản bộ dưới tán thông để mỗi lần ngước mắt lên trời ngắm hàng vạn tia nắng như những vì sao nhấp nhánh. Sau đó, chính tay mình sẽ tự pha những ly cà phê thơm nồng từ những quả cà phê chín mọng được hái ở những nương rẫy gần đó, chúng tôi nói về với nhau về những câu chuyện vu vơ…

Hàng thông trăm tuổi đẹp theo một kiểu rất riêng. Ảnh TN

Đã đến lúc bạn phải trở về với công việc cho kịp trời tối để chuẩn bị cho những công việc trong những chuỗi ngày tới. Nếu bạn chỉ có 48 giờ để nghỉ ngơi. Gia Lai xứng đáng là lựa chọn của bạn.

Gia Lai tổ chức Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6 – 12/11/2024 nhằm quảng bá các bản sắc văn hóa địa phương và xúc tiến đầu tư du lịch bền vững tại địa phương. Tuần lễ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: trình diễn cồng chiêng, múa dân gian, không gian trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tượng gỗ dân gian, trình diễn giã gạo chày đôi; hội thi chinh phục đỉnh Núi lửa Chư Đang Ya... Ngoài ra có các hoạt động như trình diễn trang phục các dân tộc, trò chơi dân gian; trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh về văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh; hội thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống; tổ chức thả khinh khí cầu; giải Half Marathon 2024 "Đánh thức vùng quê Chư Păh - hành trình kết nối núi và hoa"…

Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối 9/11 với chủ đề Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya 2024 với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật ca múa, đồng diễn, nhảy hiện đại, hoạt cảnh. Đặc biệt, tại đêm diễn nghệ thuật đặc sắc này sẽ diễn ra màn trình diễn của hơn 400 diễn viên và quần chúng tham dự. Đây là tiết mục đón nhận Kỷ lục Việt Nam về "Chương trình đồng diễn cồng chiêng Tây Nguyên có số lượng nghệ nhân, diễn viên, học sinh tham gia đông nhất Việt Nam".

Đọc thêm