Giá lợn lao dốc: Người nuôi liêu xiêu vì “một cổ hai tròng”

(PLO) - Quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã từng là bài học của nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam và từ đầu năm tới nay, người chăn nuôi lợn tiếp tục “uống chén đắng” khi nước này ban lệnh hạn chế nhập khẩu lợn từ Việt Nam...
Giá lợn lao dốc, người nuôi lợn đang phải bù lỗ 1 triệu/ con khi xuất chuồng. 
Ảnh minh họa
Giá lợn lao dốc, người nuôi lợn đang phải bù lỗ 1 triệu/ con khi xuất chuồng. Ảnh minh họa

Khủng hoảng đầu ra: giá thịt lợn lao dốc 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn lợn tại nước ta hiện dao động từ khoảng 29-30 triệu con, lúc cao điểm lên tới hơn 30 triệu con với tổng sản lượng tới gần 5 triệu tấn. Thế nhưng, bắt đầu từ cuối năm 2016 giá lợn hơi đột ngột giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. 

“Về lâu dài phải đổi mới vấn đề quy hoạch, nhưng trước mắt Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố tạm thời dừng không cho xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới. Cùng với đó là làm sao để đẩy nhanh nội lực sản xuất của chúng ta lên, ví dụ như chúng ta làm sao sử dụng TACN hiệu quả hơn, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tăng quy mô, để làm sao giảm được giá thành sản xuất xuống.”- ông Chinh nhấn mạnh.

Chăn nuôi lợn là ngành nghề chính đối với 5 triệu nông hộ nên giá lợn hơi rớt xuống chỉ còn từ 24 – 27.000đ/kg khiến người nuôi lao đao. Mỗi con lợn xuất chuồng hiện người nuôi phải bù lỗ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, cảnh người bán nhà, người đổ nợ, người phải bỏ nghề đi làm ăn xa quê… sẽ là thực trạng diễn ra khắp các vùng nông thôn trong thời gian tới.    

Nói về tình trạng thừa thịt, mất cân bằng giữa cung và cầu, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: năm 2016 Việt Nam sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, làm một phép tính đơn giản 3 kg thức ăn được 1kg thịt hơi, nhân lên sẽ thấy Việt Nam đang thừa bao nhiêu thịt. “Bây giờ giá thịt lợn tuy có nhích lên song sản lượng thừa trong dân vẫn còn nhiều và nhu cầu tiêu thụ là còn lớn” - ông Chinh nói. 

Một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn sụt giảm là do Trung Quốc đột ngột hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam để bảo hộ sản xuất, trong khi đàn lợn của các hộ chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh. 

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới nên người nuôi lợn hướng tới thị trường này là chuyện bình thường. Nhưng theo ông Chinh, hầu hết số đầu lợn xuất sang Trung Quốc chủ yếu đi qua con đường tiểu ngạch: Không hợp đồng, không cam kết, không kiểm dịch… nên khi phía họ hạn chế nhập khẩu là ngay lập tức tác động tiêu cực đối với ngành chăn nuôi trong nước.  

Trung gian trong nước “đục nước béo cò”

Người chăn nuôi lợn lỗ chỏng vó, gặp vô vàn khó khăn không chỉ do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu mà còn từ khâu phân phối trong nước thừa cơ “đục nước béo cò”. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng lợi dụng việc này để ép giá mua lợn của người chăn nuôi sau đó bán cho người tiêu dùng với giá cao để hưởng chênh lệch. 

Tại Đồng Nai, lợn nuôi đến ngày xuất chuồng bán với giá bèo bọt, nhiều hộ chăn nuôi cảm thấy rất thất vọng về việc quản lý giá của ngành Công Thương trong thời gian qua khi mà 5 tháng nay giá lợn liên tục giảm, cả nước la làng, người chăn nuôi liêu xiêu, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ lên đến cả triệu đồng, vậy mà người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá của nửa năm trước đó. 

Có chuyện Công đoàn của một Cty tại Đồng Nai đã thử hỗ trợ đời sống cho công nhân bằng cách mua lợn của gia đình người lao động trong Cty hoặc người chăn nuôi mà Cty này biết là sạch, không dùng các phụ gia độc hại về mổ bán cho người lao động. Công đoàn Cty này đã quyết định mua giá lợn cao hơn giá xuất của người chăn nuôi từ 1-2 giá, về bán cho công nhân viên chỉ bằng 60-70% giá ngoài chợ, vậy mà vẫn lãi khoảng 500 ngàn đồng/con. 

Từ câu chuyện này, nhiều người cho rằng từ trang trại đến bàn ăn hiện người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đang cùng “móc túi”, trong khi khâu trung gian vẫn lãi ít nhất 2 triệu đồng/con. Đại diện Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận thực tế này và cho rằng đây là vấn đề chưa có cách giải quyết. “Bà con bán lợn xuất chuồng với giá rất rẻ nhưng ra chợ giá thịt bán vẫn rất đắt. Tôi khẳng định ở khâu phân phối đang có vấn đề. Nếu như không kiểm soát được thì người sản xuất chịu thiệt thòi lớn nhất” - ông Chinh nói.

Tuy nhiên, ông Chinh nói Cục Chăn nuôi không có thẩm quyền can thiệp và giải quyết vấn đề giá cả nhưng với trách nhiệm của mình, trong tháng 5 tới, Bộ NN&PTNT sẽ có một đoàn công tác sang Trung Quốc thực hiện việc xúc tiến đầu tư, nhất là tìm giải pháp cho các doanh nghiệp chăn nuôi để làm sao việc buôn bán được diễn ra thuận lợi hơn.   

“Bộ NN&PTNT đã chủ động có một đoàn làm việc với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để hai bên có sự thống nhất xúc tiến đi đến ký kết về XK các mặt hàng chính thống trong đó ưu tiên mặt hàng thịt lợn. Chúng tôi hy vọng trong một thời gian nữa hai bên sẽ tìm hiểu các cơ sở pháp lý, điều kiện lẫn nhau để nhanh chóng đi tới ký kết XK mặt hàng này theo con đường chính ngạch” - ông Chinh cho biết. 

Ngoài ra, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi và năng lực chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng sữa của Việt Nam hiện đều đã vượt quá năng lực tiêu thụ nội địa cần phải hướng tới xuất khẩu hoặc phải có các biện pháp hành chính để làm sao chúng ta giảm tốc độ lại. 

Đọc thêm