Giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nhà cho thuê kéo CPI tháng 10 tăng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu trong nước, giá nhà ở thuê tăng là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước. (Ảnh minh họa)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước. (Ảnh minh họa)

Sáng nay (6/11), Tổng cục thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 10 tăng 2,52% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng bởi ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng. Trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; nhóm giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%...

Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/10/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.693,44 USD/ounce, tăng 4% so với tháng 9/2024.

Giá vàng thế giới tăng do tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine và những biến động ở bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại về ổn định chính trị toàn cầu. Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá vàng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12/2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.

Chỉ số giá đô la Mỹ, tính đến ngày 27/10/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,88 điểm, tăng 1,91% so với tháng trước do dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, cùng với rủi ro địa chính trị leo thang ở các điểm nóng trên toàn cầu cũng là nhân tố thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.050 VND/USD.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2024 tăng 0,7% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12/2023; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 5,1%.

CPI tháng 10/2024 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đọc thêm