Sáng nay (25/7), Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Báo cáo của BCĐ 389 quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 10.517 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.007 tỷ đồng, khởi tố hình sự 20 vụ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra 29.283 DN, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.819 tỷ đồng.
Bộ Công an đã phát hiện, xử lý và triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn 4.217 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 23 tỷ đồng, khởi tố hình sự 937 vụ và 1.192 đối tượng. Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 1.569 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 25 tỷ đồng, khởi tố 287 vụ, 354 đối tượng. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 622 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng...
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin, 6 tháng đầu năm, lực lượng hải quan đã ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm, hiện đang đang giữ trên 10 nghìn container tại các cảng, cửa khẩu.
Các đối tượng dùng thủ đoạn tạm nhập tái xuất, hoặc nhập qua các cảng biển các nước lân cận, tập kết ở đường biên, sau đó hàng xé lẻ để tiếp tục đi vào nội địa. Ông Cẩn đề nghị Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới tăng cường biện pháp, phối hợp ngăn chặn tình trạng này.
Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, thông qua vụ án liên quan đến ma túy, ngà voi, tê giác…, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng đã thành lập DN ma để cấu kết với DN trong và ngoài nước, đưa hàng cấm vào Việt Nam. Thậm chí, còn có hàng chục DN thành lập do các đối tượng thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, có gì có thể chấp nhận đi tù thay cho họ.
Nổi cộm trong thời gian vừa qua, là vấn nạn gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn các lực lượng.
“Trong nhiều năm, chúng tôi bắt rất nhiều vụ và đã khởi tố nhiều vụ. Vụ việc nóng nhất thời gian gần đây, là vụ ASANZO. Vụ việc đang được xác minh, điều tra sâu, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh. Công ty này nhập hàng từ Trung Quốc gắn mắc Asanzo..., đồng thời, chuyển cho công an về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.
“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số ý kiến cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi này. Chúng tôi sẽ làm sâu... Nếu làm như thế này, như giải thích của một số Bộ thì giống như một con lợn nhập khẩu từ Trung Quốc về, xẻ làm đôi, nếu mang xuất khẩu thì mang xuất xứ Trung Quốc; nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì mang xuất xứ của Việt Nam. Điều này là vô lý, mà không có nước nào làm như vậy”, ông Cẩn nói và khẳng định lực lượng chức năng sẽ sớm đưa ra kết luận trong vòng 2 tuần, để hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số DN liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm sớm được ngăn chặn.
Cũng theo ông Cẩn, trong nửa cuối năm 2019, cơ quan hải quan tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường… và chính quyền địa phương trong việc chia sẻ thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đường dây ổ nhóm buôn lậu ma túy, hàng cấm qua biên giới.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát hải quan tiếp tục quán triệt, bám sát và thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lãnh đạo Bộ Tài chính, trong đó, tập trung vào việc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy; chống buôn lậu hàng tạm nhập tái xuất; nhập rác phế liệu…