Giá "nước máy" Hà Nội “đội” tới 35%?

Mặc dù nhấn mạnh năm 2012 sẽ đảm bảo duy trì cấp nước sạch cho 100% dân số nội thành và trên 33% dân số thuộc huyện ngoại thành nhưng Cty Nước sạch Hà Nội vẫn để ngỏ khả năng tăng giá nước sạch lên đến 35%.

Mặc dù nhấn mạnh năm 2012 sẽ đảm bảo duy trì cấp nước sạch cho 100% dân số nội thành và trên 33% dân số thuộc huyện ngoại thành nhưng Cty Nước sạch Hà Nội vẫn để ngỏ khả năng tăng giá nước sạch lên đến 35%.

Sản xuất nước sạch ở  Nhà máy Nước Yên Phụ.   Ảnh: MH
Sản xuất nước sạch ở Nhà máy Nước Yên Phụ. Ảnh: MH

Bù giá chưa đến người nghèo

Theo Tổng Giám đốc Cty nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải, dự báo hè năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết nắng nóng nhiều ngày, cường độ cao, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh, có những thời điểm đột biến trong khi điều kiện sản xuất nước gặp nhiều khó khăn. Việc cấp nước sạch luôn trong tình trạng “không bù đắp được chi phí mà không được Nhà nước bù giá vì đầu tư rất lớn nhưng thu hồi chậm.”

Với 97% lượng nước cung cấp là cho nhu cầu sinh hoạt, chỉ 3% cấp cho nhu cầu sản xuất, giá nước của Hà Nội luôn hướng đến quyền lợi của người có thu nhập thấp. Từ 1/1/2010, theo nguyên tắc bù giá, giá nước của Hà Nội là 4.000 đồng/m3 (cho 16m3 đầu) - thấp nhất trong cả nước (như Hải Dương qui định 6.500 đồng/m3 cho 5m3 đầu tiên). Trong khi đó, ước tính, chi phí xuất xưởng là 1.900 đồng/m3, nhưng để đủ lượng nước cung cấp cho thị trường, Cty phải mua thêm nước sông Đà với giá 2.348 đồng/m3.

Trong 3 năm qua, các chi phí đầu vào của ngành nước đã tăng vùn vụt: chi phí khấu hao lớn, giá điện tăng 18%, mức lương cơ bản tăng lên 1.050.000 đồng, các vật tư vật liệu cho ngành nước tăng 40-50%..., cùng các thay đổi trong chính sách về thuế… tác động nhiều đến hiệu quả kinh doanh nước sạch.

4 tháng đầu năm 2012, Cty lỗ 32 tỷ đồng, khiến đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. “Mà không phải cứ điều chỉnh giá nước là có thể giải quyết được vấn đề lỗ vì mỗi lần điều chỉnh phải có sự tham gia của 4 “ông” (Tài chính, Môi trường, LĐ-TB&XH, Xây dựng) với 1 qui trình “phức tạp đến nỗi khi giá nước được ban hành thì cũng đã kịp… lỗi thời” – ông Hải trần tình.

Thêm vào đó, Cty cũng đề nghị tính toán lại cách bù giá nước vì làm như hiện nay là “tràn lan” và “bù nhiều cho người có tiền (có nhiều thiết bị sử dụng nước) chứ chưa phải cho người nghèo”. Dự kiến, giá nước sẽ phải điều chỉnh tăng 30-35% dù chưa đủ mọi chi phí hợp lý theo qui định.

Thêm hơn 200.000 dân có nước sạch

Là một trong 5 đơn vị cấp nước cho nhu cầu của TP, Cty nước sạch Hà Nội vẫn được coi là “đầu tàu” trong lĩnh vực này. Cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn TP vừa là hoạt động kinh doanh vừa là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của xã hội của Cty.  

Với việc vượt qua được “thử thách” về cấp nước sạch sau đợt nắng nóng đầu hè vừa qua, Cty nước sạch Hà Nội khẳng định, hè năm nay, TP sẽ đảm bảo nhu cầu nước sạch cho cho 100% dân số nội thành và trên 33% dân số thuộc huyện ngoại thành, kiểm soát chất lượng nước trên địa bàn, giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh, cải thiện đáng kể (hướng đến xóa bỏ hoàn toàn) những điểm khó khăn nhiều năm qua về nước ở ngoại thành, hoàn thiện mạng lưới cấp nước, chống thất thoát, thất thu trên các địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm (để tăng tỷ lệ nước thu tiền lên 80%), cấp nước đầy đủ cho các Dự án thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.

So với năm 2011, TP phấn đấu số khách hàng được cấp nước tăng thêm 46.541 hộ (với 209.435 người dân) các huyện ngoại thành; tỷ lệ nước có thu tiền là 73,58% (tăng thêm 3,39%).

Huy Anh

Đọc thêm