Tòa án nhân dân tối cao ( TANDTC) khẳng định : việc lơi lỏng kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới XKLĐ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các công ty không có giấy phép XKLĐ “có đất dụng võ”, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động…
Các bị cáo trong vụ lừa đảo XKLĐ tại công ty CP đào tạo xuất khẩu Hà Nội, 172 bị hại, số tiền chiếm đoạt là 19 tỷ đồng |
Pháp luật sơ hở…
Theo thống kê của TANDTC, từ năm 2007 tới hết 30/6/2010, các Tòa án đã xét xử 111 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới XKLĐ. 178 bị báo đã ra “trước vành móng ngựa” với hàng trăm bị hại và số tiền bị chiếm đoạt lên tới cả ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ án Nguyễn Thành Yên cùng các đồng phạm bị TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử tháng 7/2009, số người bị hại lên tới hơn 100 người, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt lên tới 9 tỷ đồng.
Nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm lừa đảo XKLĐ, theo nhận định của cơ quan chức năng là bởi hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa thức ự chặt chẽ, còn sở hở và thiếu sót. Cụ thể là các chế tài của pháp luật chưa đủ mạnh, các hành vi vi phạm và việc xử lý vi phạm còn chưa đầy đủ và phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực XKLĐ. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật chưa bao quát hết được các hình thức dưa người đi làm việc ở nước ngoài, trong khi đó các hình thức hiện ngày một đa dạng hơn…
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới XKLĐ và việc cấp giấy phép hành nghề trong lĩnh vực này. Vì vậy, tình trạng các công ty không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực môi giới và tuyển dụng lao động đi học tập, làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn trưng biển quảng cáo là có chức năng này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chưa làm tốt việc thẩm định, kiểm tra thủ tục thành lập doanh nghiệp môi giới XKLĐ, còn có biểu hiện quan liêu như : cấp giấy phép đăng ký kinh danh cho một số doanh nghiệp tư nhân không có đồng vốn nào nhưng trong giấy phép kinh doanh ghi vốn pháp định hàng tỷ đồng, người có trình độ văn hóa thấp vẫn được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này…
Đối tượng lừa đảo lắm thủ đoạn
Trong lúc cơ quan chức năng thì lờ là, pháp luật còn sơ hở thì qua công tác điều tra án XKLĐ cho thấy thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo XKLĐ lại ngày một tinh vi hơn. Từ sử dụng danh nghĩa của các DN XKLĐ có giấy phép XKLĐ đến sử dụng danh nghĩa một DN có thực ( nhưng không có giấy phép XKLĐ) để “ lập lờ đánh lận con đen”.
Phổ biến hơn là hình thức lừa đảo thông qua liên kết với một số đơn vị, cở đào tạo nghề, trung tâm ngoại ngữ để mua chứng chỉ học nghề hoặc chứng chỉ ngoại ngữ để hợp lý hóa hồ sơ của người lao động và làm thủ tục XKLĐ cho họ.
Liều lĩnh hơn, có đối tượng còn làm hồ sơ giả, hợp đồng lao động có dấu giả và chữ ký giả của lãnh đạo Cục QLLĐNN để tạo lòng tin với người lao động.
Khi thu tiền của người lao động, bọn tội phạm thường ghi biên nhận với nội dung giấy mập mờ như : thu tiền để góp vốn kinh doanh, vay tiền làm ăn hoặc không ghi lỹ do thu tiền với chữ ký người nhận tiền không rõ ràng để đối phó với cơ quan pháp luật khi bị phát hiện.
Cũng theo điều tra của cơ quan chức năng, bọn tội phạm thường móc nối với một số đối tượng người nước ngoài để lừa đảo dưới các hình thức như : quảng cáo các chương trình du học, đi lao động nước ngoài,c hủ sử dụng lao động là người nước ngoài trực tiếp tuyển dụng. Thậm chí bọn chúng còn tổ chức cho người nước ngoài trực tiếp thu tiền môi giới lao động, thuê người nước ngoài đến phỏng vấn và ký kết hợp đồng lao động trực tiếp để tạo lòng tin.
…Người lao động : vừa tham vừa..cả tin
Muốn giàu nhanh chóng, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật…là những nguyên do chính khiến nhiều người lao động trở thành ‘con mồi béo bở” của các đối tượng lừa đảo XKLĐ.
Hơn thế, nhiều người biết mình bị lừa đảo nhưng cũng không chủ động khai báo với các cơ quan chức năng mà lại tìm cách tự đòi lại tiền, khi không đòi được, kẻ lừa đảo đã bỏ trốn thì mới tìm tới cơ quan chức năng để thông báo.
Bởi vậy, nhiều trường hợp người lao động phải chấp nhận “tiền mất, tậ mang” bởi đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay hoặc có đủ thời gian để xóa hết mọi dấu vết phạm tội, cơ quan chức năng khó tìm ra đầu mối để có thể xử lý.
Trước thực trạng này, theo kiến nghị của TANDTC thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc cấp pheops cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới XKLĐ. Bên cạnh đó cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong XKLĐ với các chế tài mạnh và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tăng cường mối quan hệ phối hợp trong điều tra truy tố và xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực XKLĐ ( hiện cơ chế phối hợp này còn lỏng lẻo và chưa có quy định cụ thể khiến ngành tòa án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thụ lý các vụ án này).
Thanh Lương