Gia tăng tỉ lệ nội địa hóa ô tô, thị trường mới chỉ là điều kiện cần

(PLVN) - Để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa ô tô, dung lượng thị trường chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng sản xuất với doanh nghiệp cung cấp bản địa.
Muốn gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, cần nhiều điều kiện.

Linh kiện nội địa hóa giá trị thấp

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hoá (NĐH) trong nhiều ngành còn ở mức thấp.

Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) cho biết, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn.

Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, DN còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu. Hiện chuỗi cung ứng linh kiện tại chỗ Việt Nam còn rất yếu. Với dòng xe cá nhân có chưa tới 80 DN sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc. Không những thế linh kiện của các nhà sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như: khung ghế, ắc quy, chi tiết nhựa cỡ lớn,...

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ NĐH một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao nhưng chủ yếu thuộc về các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng. Trong khi đó, tỷ lệ NĐH đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn rất thấp so với mục tiêu. Mục tiêu đề ra cho NĐH xe cá nhân là 30-40% vào năm 2020 nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Đại diện Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Bộ Công Thương (NCCS) cho rằng, các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay đa số vẫn đang tập trung theo các mục tiêu ngắn hạn, tức là tập trung đáp ứng các hợp đồng ngắn hạn, ít chú trọng vào việc tạo lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài gắn liền với việc trao đổi thông tin thường xuyên với các nhà lắp ráp ô tô.

Cần cả “điều kiện cần và đủ”

“Thực tế cho thấy những hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đạt được thành công như ngày nay đều có thị trường xuất khẩu rộng lớn. Không DN nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại tập trung mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu, tức là mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh” - đại diện NCCS nói.

Đại diện một hãng ô tô lớn tại Việt Nam cũng cho biết, việc tìm kiếm phát triển các nhà cung cấp nội địa không dễ vì dung lượng thị trường của Việt Nam còn rất nhỏ, nếu đầu tư thì giá cả cung cấp sẽ cao, khiến chi phí giá thành “đội” lên rất nhiều. Do đó, các hãng sẽ đều lựa chọn nhập khẩu thay vì sử dụng tại chỗ bởi việc tối ưu hóa giá thành sản xuất là điều mà hãng ô tô nào cũng tính đến.

Điều này càng được khẳng định khi mới đây, đại diện Toyota cho biết, trong giai đoạn 2020-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, Toyota Việt Nam (TMV) vẫn tuyển dụng thêm 12 nhà cung cấp mới trong tổng số 46 nhà cung cấp (trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt). Đến nay, TMV là nhà sản xuất ô tô FDI có tỷ lệ NĐH cao nhất với 724 linh kiện (như thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy…). Trong năm 2022, TMV đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp mới và hơn 200 linh kiện mới được NĐH. TMV hiện vẫn đang có số lượng xe bán ra ổn định hàng đầu ở thị trường Việt Nam trong nhiều năm liền.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sản lượng thị trường là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng với DN cung cấp. Ông Harsono, Phòng Quan hệ đối ngoại - Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia cho biết, hàng năm, các hãng ô tô tại Indonesia đều có kế hoạch đào tạo chuyên gia từ sơ cấp, cao cấp đến cấp quốc gia. Các chuyên gia này sẽ tới từng DN giúp họ phát triển, cải thiện hệ thống, chất lượng sản xuất từ cấp thấp lên cao.

Đây cũng là hướng mà đại diện NCCS cũng đưa ra khi cho rằng, cần phải sàng lọc các DN sản xuất tiềm năng về phụ tùng, linh kiện để kết nối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, tổ chức các buổi làm việc và thăm thực tế nhà cung cấp nội địa; Tìm kiếm hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3; hỗ trợ đào tạo... hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Đọc thêm